Trước đây, trong bài viết về Handle Rejection – Khi bị từ chối, Trinh có đề cập về một TEDx Talk mang tên The Secret of Becoming Mentally Strong của Amy Morin – Tác giả sách 13 Điều Người Có Tinh Thần Thép Không Làm.
Vì thích thông điệp của TEDx Talk này, mình đã mua sách của tác giả về đọc. Đến giờ đây vẫn là một trong những cuốn sách gối đầu giường của mình về cách giữ vững tinh thần.
Hiển nhiên, đọc xong cuốn sách không biến bạn trở thành một người có tinh thần thép, bạn phải tự mình trải nghiệm mới có thể thẩm thấu và mới thấy được sức nặng của nó. Tác giả hay thậm chí mình chẳng thể giúp bạn trở thành người có tinh thần thép, nhưng từ trải nghiệm bản thân, việc biết được danh sách 13 điều này đã giúp mình có thêm thông tin lẫn góc nhìn để cứng cáp trong tinh thần khi đối diện với những tình huống không mong đợi.
Dưới đây Trinh sẽ tổng hợp ngắn gọn lại 13 điều mà người có tinh thần thép không làm do cô Amy Morin chia sẻ. Thỉnh thoảng, Trinh vẫn đọc đi đọc lại để nhắc nhở bản thân củng cố sức mạnh tinh thần. Trinh nghĩ những câu chuyện và chia sẻ của Amy Morin cũng sẽ giúp ích cho mọi người!
1. They Don’t Waste Time Feeling Sorry for Themselves – Không than thân trách phận
Điều đầu tiên này cũng làm Trinh nhớ đến một podcast của chị Chi Nguyễn – The Present Writer nói về việc đừng luồn cúi trước bất công; rằng dù cho cuộc đời chúng ta có thể không may mắn như người khác nhưng thay vì chấp nhận số phận, ta cũng có thể đứng dậy và viết lại cuộc đời mình.
Bên cạnh đó, Trinh cũng học được rằng việc than thân trách phận cũng giống như việc nói về vấn đề mình đang có nhưng lại không muốn giải quyết nó vậy. Lúc này, thứ ta muốn là sự chú ý chứ chẳng phải giải pháp. Hiển nhiên, Trinh nghĩ ai cũng cần được lắng nghe và thấu hiểu nhưng cứ chăm chăm vào việc than phiền thì chẳng phải ta đang lãng phí quá nhiều thời gian sao?
2. They Don’t Give Away Their Power – Không để người khác định đoạt đời mình
Trinh rất thích chiêm nghiệm này của cô Amy Morin. Đúng là có những lúc ta bị ảnh hưởng cảm xúc bởi những tác động bên ngoài, một cách không muốn và đôi khi bị động. Nhưng thay vì nói những điều như “cô ấy phiền quá”, “ảnh khiến tôi rất bực mình”… như một cách cho người khác quyền định đoạt cảm xúc của bạn, Trinh học được rằng mình hoàn toàn có thể chủ động với cách mình phản ứng trước sự việc.
Khi đi làm, có những lúc Trinh cảm thấy mình bị thách thức cảm xúc bởi những chuyện có khi chẳng đáng và thậm chí không hề liên quan đến hiệu suất công việc. Tuy vậy, nhờ học điều này từ cô Amy, Trinh đã đặt ra một nguyên tăc cho bản thân là “Hãy điềm tĩnh và hành xử tử tế ngay cả khi bạn bị người khác thách thức cảm xúc. Sự hằn học của người khác không phản ánh con người bạn, nó phản ánh nội tâm cảm xúc của họ.”
Bạn sẽ không thể có được một tinh thần mạnh mẽ chừng nào còn cho người khác quyền chi phối cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử.
3. They Don’t Shy Away from Change – Không e ngại mà né tránh thay đổi
Mặc dù đồng tình với đúc rút này nhưng bản thân Trinh cũng không nhận ra có nhiều lúc Trinh rất sợ thay đổi và cứ lẩn quẩn trong vùng an toàn của chính bản thân, bởi những nỗi sợ do chính mình thêu dệt. Thay đổi với Trinh là điều không đáng sợ, điều khiến Trinh ngần ngại chính là đôi lúc bản thân mình không rõ những thay đổi đó xuất phát từ niềm tin vảo bản thân hay vì nỗi sợ của chính mình (driven by fear).
4. They Don’t Waste Energy on Things They Can’t Control – Không phí phạm năng lượng vào những điều không thể kiểm soát
Nỗ lực kiểm soát mọi thứ thường nảy sinh từ nỗi mong muốn kìm hãm cơn lo âu. Và thay vì tập trung vào kiểm soát chính những lo lắng của bản thân, nhiều người cố gắng kiểm soát môi trường xung quanh.
Cho nên Trinh học được rằng mỗi khi có cảm giác mình mong muốn kiểm soát một điều gì đó mà Trinh không kiểm soát được, Trinh sẽ tự hỏi mình là “Mình đang sợ điều gì vậy?”, câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng việc trả lời chúng đã giúp Trinh thừa nhận những nỗi sợ đang có của bản thân. Từ đó buông thả những điều mình không kiểm soát được thì mình sẽ có thêm thời gian và năng lượng cho những điều bản thân có thể kiểm soát.
Một điểm Trinh thích ở chương này là khao khát sửa chữa mọi thứ cũng có thể manh nha từ một dạng phức cảm siêu anh hùng. Kiểu như thay vì giao việc cho nhân viên hay nhờ người khác phụ giúp, có người sẽ thường chọn tự làm để chắc chắn nó được làm đúng vì ta không tin vào năng lực của người khác.
Trinh đã gặp trường hợp này nhiều ở nơi công sở, và thậm chí ở bản thân mình mà đôi lúc mình không nhận ra. Hiển nhiên sẽ có những lúc bạn cần làm một mình. Tuy nhiên, trong trường hợp công sở, nếu cứ muốn khư khư kiểm soát mọi việc, bạn sẽ tước đi cơ hội thể hiện và phát triển của người khác và cũng tước đi của bản thân thời gian cho những việc đáng ra người khác có thể làm. Tệ hơn thì bạn mất đi những mối quan hệ.
5. They Don’t Worry About Pleasing Everyone – Không cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người
Đây là điều không hề mới, nhưng cũng là điều mà Trinh… học hoài mà không xong. Hồi là sinh viên năm 2, Trinh được bổ nhiệm là Leader cho team truyền thông trong một CLB.
Và Trinh đã không làm tròn trách nhiệm của mình, bởi thay vì tập trung vào kết quả cuối cùng của công việc, Trinh tập trung vào việc được các thành việc trong team thích 🙂 Ước gì Trinh có thể quay lại để nói với bản thân mình khi ấy rằng việc hoàn thành công việc mới là quan trọng chứ việc ai thích mình không quan trọng.
Sau này khi đi làm, Trinh vẫn tiếp tục lặp lại các lỗi này. Đôi khi vô thức và đôi khi dù đã tự nhận thức được rồi những vẫn thấy khó khăn để thay đổi. Đặc biệt mỗi khi gặp gỡ ai đó, Trinh đều cố gắng “ghi điểm” và trở thành những hình mẫu mà họ thích mà chẳng thèm quan tâm đó có thật sự những điều mình thích và đó có là chính mình không. Lúc đó Trinh không biết rằng, điều Trinh đang làm chính là kiểm soát cảm nhận của người khác về mình 🙂
Đây cũng chính là điều Trinh đã rất wow khi đọc đến chương này: Nhiều người nhầm lẫn việc làm hài lòng người khác chứng tỏ ta rộng lượng, nhưng Amy đã chỉ ra rằng đó có thể là một hành động đang cho mình là trung tâm, cho rằng mọi người đều quan tâm đến mỗi hành động của mình. Nó ngụ ý rằng có thể bạn đang muốn kiểm soát cảm nhận của người khác, vì bạn sợ bị từ chối hoặc bỏ rơi.
Sau này khi đã thấu hiểu bản thân mình hơn, Trinh không “take things for personal”. Trút bỏ được tâm lý này cũng giúp Trinh mạnh dạn hơn với các thay đổi của bản thân trong sự nghiệp và các mối quan hệ. Càng hiểu về bản thân mình, Trinh lại càng thấy việc người khác nghĩ gì về mình không quan trọng vì người ta cũng chỉ nghĩ về người ta thôi. Nhưng bài học nào cũng vậy, phải trải nghiệm thì mới thẩm thấu được và cho đến giờ Trinh vẫn đang cố gắng để học điều đơn giản này.
6. They Don’t Fear Taking Calculated Risks – Không ngại những rủi ro có tính toán
Mình từng có một cuộc hội thoại với một người bạn về chủ đề này. Trinh và bạn Trinh đều không có những lợi thế trong xuất phát điểm hay gia đình nên mỗi quyết định của tụi mình đều là những quyết định cân đo đong đếm. Tuy nhiên, với cá nhân Trinh, nhìn lại Trinh cũng thấy bản thân đôi khi khá sốc nổi.
Song cũng nhờ những trải nghiệm đó, mình lại thấy trân trọng sự trưởng thành của bản thân hơn. Hiển nhiên, đôi khi, dù đã tính toán, có những rủi ro không đảm bảm được thành công như mong đợi, nhưng cũng nhờ có những tính toán, bản thân mình luôn có những lựa chọn khác và không phải ở trong tâm thế “không thể làm được gì”.
7. They Don’t Dwell on the Past – Không bám vào quá khứ
Mộ trong những điều Trinh mất nhiều thời gian để học và đến giờ vẫn đang học bài học này 🙂 Trinh không đắm chìm quá lâu về những ngày đẹp đẽ nhưng thường có xu hướng trách cứ bản thân bởi những lỗi lầm của mình ngày xưa. Và rồi Trinh ước gì mọi chuyện có thể thay đổi theo một hướng khác, nhưng lại quên mất một sự thật hiển nhiên là mình không có khả năng quay ngược thời gian.
Đây chính là tư duy khiến Trinh không sống trong hiện tại. Về sau, khi khám phá bản thân mình nhiều hơn, Trinh học cách chấp nhận “it is what it is”. Trinh nhìn về quá khứ, chấp nhận thực tế sự việc đã xảy ra và rút cho mình những bài học cần thiết. Sau đó, bước về phía trước. Mình đã là người như thế nào không quan trọng, điều quan trọng là mình đang là và muốn trở thành người như thế nào.
8. They Don’t Make the Same Mistakes Over and Over – Không mắc đi mắc lại cùng một sai lầm
Trinh có nghe đâu đó trên mạng là “Nếu bạn không học bài học bạn cần học, thì vũ trụ sẽ liên tục gửi cho bạn bài học đó”.
Thật vậy, nhờ bài học này Trinh cũng mạnh dạn chia sẻ các sai lầm của mình hơn để người khác tránh đi vào vết xe đổ của mình và trên hết là chính mình cũng không đi lại con đường đó.
9. They Don’t Resent Other People’s Success – Không tức tối với thành công của người khác
Khi còn đi học, Trinh luôn cảm thấy buồn khi người khác đạt được một điều gì đó mà mình không có được, và không hiểu sao mình đã hiểu rằng họ đã tước đi điều đó của mình.
Thời điểm ấy, Trinh cũng là phiên bản chắp vá của nhiều người khác. Vì không biết mình là ai, mình muốn gì nên thấy những người xung quanh đạt được điều gì đó, mình luôn muốn giống họ và rồi cố gắng trở thành bản sao của họ.
Nhưng sâu thẳm, thứ mình thật sự muốn đôi khi không phải thành công giống như họ mà là những cảm giác ẩn sâu khi họ có được thành công, như: được người khác công nhận và yêu mến, được làm thứ mà mình đam mê và có ý nghĩa, có được sự yêu thương từ nửa kia hay gia đình…
Sau này nhìn lại, Trinh thấy đó là quá trình trưởng thành cần thiết cho bản thân chứ không nghĩ rằng mình đã phí hoài thời gian của chính mình. Giờ đây, khi nhìn thấy người khác đạt được thành công, Trinh thấy rất vui mừng cho họ vì hiểu rằng họ đã nỗ lực để đạt được điều đó. Họ không chỉ trở thành động lực và nguồn cảm hứng giúp Trinh tiến lên mà còn giúp Trinh khám phá những mong muốn ẩn sâu của bản thân.
10. They Don’t Give Up After the First Failure – Không từ bỏ sau lần thất bại đầu tiên
Một bài học khá đơn giản nhưng cũng sâu sắc và hiển nhiên với Trinh. Và dù nó chả có gì mới nhưng chỉ khi thất bại Trinh mới thấy được sức nặng của nó, vì đôi lúc Trinh gắn giá trị bản thân mình với mức độ thành công mà mình đạt được. Nhưng thất bại chỉ là một phần của hành trình thôi. Và cái hay của bất kỳ hành trình nào cũng chính là quá trình ta đến được đích của chứ không phải là đích đến mà phải không?
11. They Don’t Fear Alone Time – Không sợ những khoảng thời gian ở một mình
Trong tất cả 13 điều Amy chia sẻ, đây có lẽ là điều Trinh tự tin khẳng định được về mình.
Trước giờ, Trinh chưa bao giờ sợ những khoảng thời gian ở một mình mà ngược lại còn rất tận hưởng nó. Mặc dù không thích lẻ bóng nhưng Trinh không sợ một mình. Và vì vậy, Trinh cũng không ngại từ bỏ các mối quan hệ mà Trinh cảm thấy nó xó xu hướng độc hại. Vì với Trinh việc một mình tốt hơn là ở trong những mối quan hệ như vậy.
Trinh luôn học cách hạnh phúc với bản thân mình và tự làm mình vui qua các chuyến solo travel, các buổi đi cà phê, ăn uống và làm đẹp, mua sắm một mình. Trinh luôn tin rằng khi mình hạnh phúc với chính bản thân mình người khác cũng sẽ hạnh phúc khi ở bên cạnh chúng ta. Và cũng chỉ khi đó, mình mới mang hạnh phúc đến cho người khác được.
12. They Don’t Feel the World Owes Them Anything – Không cảm thấy thế giới mắc nợ mình bất cứ điều gì
Chương này là chương yêu thích nhất của Trinh và cũng là chương khiến Trinh ngỡ ngàng nhất.
Amy cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới nơi các quyền và đặc quyền thường xuyên bị lẫn lộn. Thường thì người ta nghĩ mình “có quyền được hạnh phúc” hay “có quyền được đối xử tôn trọng”, kể cả khi phải xâm phạm vào quyền lợi của người khác để đạt được điều mà mình mong muốn. Thay vì cố gắng đạt được những đặc quyền, họ hành xử như thể xã hội này, vì lý do nào đó, mắc nợ họ.
Đáng nói tâm lý cho rằng thế giới mang nợ mình không phải lúc nào cũng xuất phát từ tâm lý ưu việt. Đôi khi nó bắt nguồn từ quan niệm cho rằng cuộc đời quá bất công. Chẳng hạn một người trải qua tuổi thơ khốn khó có thể vung tay dùng thẻ tín dụng để mua cho bản thân những thứ anh ta đã bỏ lỡ khi còn nhỏ, mà chẳng quan tâm anh ta có khả năng chi trả hay không vì anh ta nghĩ mình đã chịu quá nhiều bất công rồi.
Chương này với Trinh có nhiều phân tích và ví dụ rất hay, bản thân Trinh cũng đã từng rơi vào cái bẫy “mình đã chịu quá nhiều đau khổ rồi”, để rồi đưa ra những kỳ vọng không thực tế cho người khác. Nhưng Trinh cũng học được rằng “Bất kể bạn có là người thông minh nhất hành tinh, hay bạn đã trải qua hoàn cảnh khó khăn nhất đi chăng nữa, điều đó cũng chẳng khiến bạn xứng đáng được may mắn hơn bất kỳ ai”.
13. They Don’t Expect Immediate Results – Không mong đợi kết quả tức thời
Chương này làm mình nhớ đến câu nói nổi tiếng của Warren Buffet là “Nobody wants to get rich slow” (Không ai muốn giàu chậm cả).
Với Trinh, dù chương này khá hữu ích nhưng nhìn chung lại không có ấn tượng sâu sắc và mới mẻ.
Vì từ lâu, Trinh đã luôn nhắc nhở bản thân mình rằng bất kỳ thành tích nào cũng đều là kết quả của rất nhiều nỗ lực. One night succcess cũng chỉ là cần câu của giới truyền thông cho những cái click-bait thôi.
Lời kết
Thật sự lúc viết lại bài này, Trinh cũng ngồi nghiền ngẫm lại 13 điều mà mình đã từng đọc. Đây cũng là một trong những cuốn sách Trinh sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần vì những giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn và rất đáng giá.
Với Trinh, phát triển bản thân nói chung hay xâu dựng sức mạnh tinh thần nói riêng là một hành trình liên tục và không bằng phẳng, chúng ta không thể nào tìm thấy điểm dừng chỉ khi chúng ta quyết định không phát triển nữa. Và điều đáng sợ nhất, theo Trinh, chính là “như cũ”.
Trích lại câu nói nổi bật trong sách “Bạn tốt được đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn còn lại những thói quen xấu nào”.
Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.
Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:
🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946
🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh
🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê)
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh
Leave a Reply