Mình thường xuyên nghe nhạc của Taylor Swift, từ thời mình còn học trung học với các bản hit đầu đời như Love Story, Fearless, Back To December… trên Channel V – kênh nhạc yêu thích của mình ngày xưa. Nhưng lúc đó mình chỉ thuần thưởng thức ca nhạc và ngưỡng mộ khả năng sáng tác của Taylor. Lối viết nhạc như kể chuyện và dùng từ sắc bén luôn khiến một sinh viên chuyên ngành Văn hoá – Văn học Anh Mỹ như mình rất tò mò và muốn học hỏi.
Nhưng về sau, khi tình cờ có đọc sách về thương hiệu với case study của Taylor, và chứng kiến sức ảnh hưởng của Eras Tour gần đây, mình đã quan sát và học thêm được rất nhiều điều về cách nàng “rắn chúa” xây dựng thương hiệu cũng như kinh doanh. Và điều này đã thôi thúc mình viết bài viết này.
Dưới đây là 13 bài học về branding mà bản thân mình đã rút ra và học được từ Taylor Swift. Mời các bạn cùng khám phá nhé!
1. Storytelling: Mỗi sản phẩm đều là một câu chuyện thấu cảm “với lời ca đẹp tựa văn chương”
Đây là điều mình nhất ở các sản phẩm của Taylor, mỗi ca khúc đều là một câu chuyện sống động. Taylor Swift đã khéo léo biến những câu chuyện cá nhân của mình thành những bài hát đầy cảm xúc. Cô không chỉ kể chuyện một cách chân thật mà còn đưa người nghe vào cảm xúc của từng tình huống. Điều này khiến người hâm mộ cảm nhận được sự chân thực và tận hưởng cảm giác như đang lắng nghe một câu chuyện của riêng mình. Việc này giúp tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ giữa Taylor và người hâm mộ, đồng thời làm nổi bật hình ảnh cá nhân của cô.
2. Reference: Luôn tận dụng mọi cơ hội để nhắc tên bài hát, lời ca của mình một cách khéo léo
Điều tiếp theo mình thích ở cách quảng cáo của nữ “ca sĩ hội chợ” này chính là cách cô ấy tận dụng triệt để mọi cơ hội để khéo léo nhắc tên các bài hát và lời ca của mình vào các cuộc trò chuyện với người hâm mộ, buổi phỏng vấn với truyền thông hay các bài phát biểu. Đơn cử trong bài phát biểu truyền cảm hứng tại NYU, Taylor đã khéo léo dẫn dắt thông điệp hành trình độc lập sắp tới với các tân cử nhân qua lời nhắn: “Scary news is: You’re on your own now. Cool news is: You’re on your own now”. Câu nói sau đó trở thành trending sound trên TikTok trên nền nhạc “You’re on your own, kid” trong album Midnight của cô.
Thật ra mình thấy không chỉ dừng lại ở Reference, các sản phẩm âm nhạc gần đây của Taylor Swift cũng lồng ghép rất khéo léo các yếu tố Pop Culture bằng cách dùng Cultural Reference. Nhưng đây là một chủ đề khác khá rộng nên mình sẽ chia sẻ ở bài sau nhé!
3. Marvel’s Easter Eggs: Mỗi sản phẩm đều hàm chứa những ẩn ý, manh mối đề cập tới một sự việc khác
Giống với cách Marvel xây dựng vũ trụ điện ảnh của mình, Taylor Swift cũng rất giỏi trong việc chèn các “Easter Egg” – những ẩn ý và gợi ý không rõ ràng, trong các sản phẩm để tạo nên “vũ trụ âm nhạc” cho riêng mình. Điều này khiến người hâm mộ trở nên tò mò và háo hức tìm hiểu và giải mã các ẩn ý này, từ đó tăng cường độ phủ và độ thảo luận cho các MV. Đồng thời, giúp củng cố tương tác và độ thân thiện giữa cô và người hâm mộ.
4. Personal but not too personal: Các bài hát đều lấy cảm hứng từ câu chuyện cá nhân nhưng không trực tiếp xác nhận để tạo sự tò mò và thảo luận
Taylor Swift được biết đến là một nghệ sĩ nổi tiếng với việc sử dụng các mối quan hệ và người yêu cũ làm nguồn cảm hứng trong âm nhạc của mình. Cô thường viết những bài hát chất vấn và chân thật về tình yêu và những mối quan hệ đã qua. Điều này tạo nên tính xác thực và gần gũi.
Tuy nhiên, điều thú vị là cô không tiết lộ một cách rõ ràng những người liên quan đến những câu chuyện đó. Điều này tạo ra sự tò mò, đồn đoán và đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của bản thân và người thân của cô. Việc này khiến người hâm mộ cảm thấy gần gũi và đồng cảm với cô mà không cần biết quá nhiều chi tiết riêng tư.
5. Consistent: Dù thay đổi âm nhạc và phong cách, cô vẫn giữ hình ảnh “good girl” gần gũi
Một điểm mạnh về branding của Taylor Swift mà mình quan sát chính là sự nhất quán trong hình ảnh mà cô xây dựng. Dù có những thay đổi và tiến hóa trong âm nhạc và phong cách, cô vẫn duy trì hình ảnh “good girl” với vẻ đẹp trong sáng, lịch thiệp, và gần gũi. Điều này tạo ra một liên kết tin tưởng giữa Taylor và khán giả, giúp cô dễ dàng chinh phục và giữ chân tâm hồn của những người hâm mộ cũng như thu hút những fan mới.
6. “Embrace” drama: Tận dụng drama một cách thông minh để tạo độ phủ và làm nguồn cảm hứng âm nhạc
Mặc dù không thích drama những có vẻ drama thì rất thích Taylor Swift. Trong suốt sự nghiệp của mình, các scandal của Taylor Swift luôn thu hút sự chu ý của giới truyền thông và đỉnh điểm là scandal “National Snake Day” của cô với Kim Kardashian vào năm 2016.
Tưởng chừng thị phi này đã nhấm chìm sự nghiệp của Taylor nhưng cô đã có màn comeback ngoạn mục vào 2017. Đáng nói, cô không hề lảng tránh mà còn tận dụng drama này để… làm nguồn cảm hứng trong âm nhạc của mình. Sự chủ động trong việc quản lý hình ảnh và đối mặt với những vấn đề một cách chuyên nghiệp đã giúp Taylor Swift duy trì vị thế là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng và ảnh hưởng nhất thế giới.
7. Clarity: Mỗi album có một màu sắc và hình ảnh đặc trưng, phản ánh rõ nét những tâm tư của cô trong từng giai đoạn trưởng thành
Thông qua Eras Tour, mình đã học được cách Taylor biến mỗi album của mình thành từng “thời kỳ biểu tượng” khác nhau.
Có thể thấy, Taylor Swift đã thành công trong việc thể hiện sự rõ ràng và đa dạng trong việc xây dựng hình ảnh đại diện cho từng album của mình. Mỗi album có một màu sắc và hình ảnh đặc trưng, phản ánh những tâm tư và cảm xúc của cô trong từng giai đoạn trưởng thành. Từ sự ngây thơ và nữ tính với những cảm xúc tuổi mới lớn qua “Fearless” cho đến màn đáp trả gay gắt và quyền lực qua “Reputation” hay một thế giới đầy màu sắc và ngập tràn trong tình yêu qua Lover, mỗi hình ảnh đều giúp xác định và tạo nên tính nhất quán cho thương hiệu Taylor Swift.
8. Reinvent old content: Không ngại thu lại và làm mới các bản hit cũ
Taylor Swift không ngừng thách thức và làm mới bản thân trong sự nghiệp. Cô không chỉ giới hạn ở việc phát hành các album mới mà còn tận dụng cơ hội tái tạo các bản hit cũ thông qua việc đòi lại bản quyền âm nhạc. Bằng cách sáng tạo lại các ca khúc quen thuộc, cô đã tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại, từ đó thu hút sự quan tâm và tương tác từ cả người hâm mộ cũ lẫn mới.
9. Timing Mastermind: Luôn tận dụng thời điểm một cách thông minh để tạo độ phủ cho mình
Taylor Swift là một nghệ sĩ thông minh khi tận dụng thời điểm và thời gian để quảng bá các sản phẩm âm nhạc của mình. Cô tạo ra sự chờ đợi và tương tác tích cực từ người hâm mộ bằng cách thả “manh mối” về câu chuyện và thông điệp trong âm nhạc vào các cuộc trò chuyện với người hâm mộ.
Ví dụ, khi phát hành album “Reputation”, cô tạo sự chờ đợi bằng việc đăng tải ảnh bí ẩn và tắt tạm thời các tài khoản trên mạng xã hội. Mới đây, khi công bố sẽ lưu diễn lần đầu tại Đông Nam Á. Taylor đã chọn ngày 7.7 (ngày mở bán vé) là ngày ra mắt album Speak Now Taylor’s Version.
10. Live Performance Experience: Mỗi tour diễn đều là một “bữa tiệc âm thanh mãn nhãn”
Mỗi tour diễn của Taylor Swift đều mang đến một trải nghiệm trình diễn sống động và đáng nhớ. Thật ra mình chỉ mới chú ý gần đây nhờ vào sự nổi lên của Eras Tour, nhưng sau khi xem lại vài tour diễn trước đó mình nhận thấy Taylor Swift là một performer thực thụ.
Những buổi diễn của cô được thực hiện một cách tinh tế và sáng tạo, biến chúng thành những “bữa tiệc âm thanh mãn nhãn” cho khán giả. Trên sân khấu, Taylor Swift thể hiện sự kỹ lưỡng trong việc thiết kế, bố trí và chọn lựa ánh sáng, tạo nên không gian đầy mê hoặc và hấp dẫn. Bên cạnh đó, cô cũng thể hiện sự chăm sóc và tình cảm đến từng chi tiết trong trang phục và phong cách biểu diễn. Những màn trình diễn sáng tạo, vui nhộn và chất lượng cao của cô luôn thu hút và làm say đắm trái tim khán giả, tạo nên những kỷ niệm không thể nào quên trong lòng người hâm mộ.
11. Engage with fans like friends: Luôn thể hiện tình cảm với fan & tương tác thân thiện trên mạng xã hội
Taylor Swift là chuyên gia “giữ chân khách hàng” và biết cách thể hiện tình cảm đối với người hâm mộ trung thành của mình. Cô theo dõi fan chặt chẽ trên mạng xã hội (Taylurking) và thu hút đa dạng đối tượng người hâm mộ nhờ bút mực sắc bén và trái tim dịu dàng trong âm nhạc. Cô thường tặng quà cá nhân và tổ chức buổi nghe thử album tại nhà (Secret Sessions) dành riêng cho fan trung thành, tạo nên mối kết nối đặc biệt và gần gũi. Bên cạnh đó, Taylor dành riêng các bản album độc quyền đĩa than deluxe và sản phẩm độc đáo cho fan, như áo len thiết kế cho đĩa đơn “folklore”, làm người hâm mộ cảm thấy thêm yêu mến và đồng hành chặt chẽ với nghệ sĩ. Taylor cũng thường xuyên tương tác thân thiện với fan trên mạng xã hội.
12. Collaboration over competition: hợp tác đa dạng với nhiều ca-nhạc sĩ, mời các nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện trong video dù đó là người yêu cũ hay từng là “kẻ thù”
Taylor Swift hợp tác với nhiều thương hiệu và nghệ sĩ đồng nghiệp suốt sự nghiệp, thu hút đa dạng khán giả. Cô phối hợp cùng các nhạc sĩ và nhà sản xuất đồng nghiệp như Jack Antonoff, Max Martin, Ryan Tedder và Aaron Dessner. Ngoài ra, cô đã hợp tác với ca sĩ country, rapper, nghệ sĩ pop và indie, cùng làm việc với nhạc sĩ sân khấu Andrew Lloyd Webber. Taylor Swift cũng mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia trong các video âm nhạc của mình, kể cả đó là người yêu cũ hay thậm chí từng là người gây hấn với cô. Điều này giúp cô tại nên hiệu ứng truyền thông với nhiều thảo luận. Song song, cô cũng hợp tác với nhiều thương hiệu và công ty top tier như Starbucks, Coca Cola, Target và Sony. Cô đã thực hiện nhiều deal hợp tác sản xuất, bao gồm các bộ phim tài liệu cho Netflix và Disney+.
13. Social Advocacy: Dần tích cực dùng âm nhạc để thể hiện quan điểm xã hội, chính trị
Taylor Swift đã không thường thể hiện quan điểm chính trị trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Tuy nhiên gần đây, mình có quan sát thì nhận thấy Taylor đã dần tích cực thể hiện quan điểm với các vấn đề xã hội qua nhiều bài hát như “Blank Space” và “The Man” nói về bất bình đẳng phụ nữ trong ngành giải trí, “Shake It Off” và “Look What You Made Me Do” nói về sự căm ghét từ truyền thông, cũng như “Miss Americana and the Heartbreak Prince” và “Only The Young” với thông điệp về cách đối mặt với thực tế và khao khát thay đổi. Cô cũng ủng hộ quyền LGBT+ qua một bài hát về chủ đề này và đã tham gia vào các phong trào như Phụ nữ năm 2017, Black Lives Matter và MeToo, đồng thời đóng góp cho những vấn đề xã hội này.
Tóm lại, nếu trước đây mình nghe nhạc Taylor Swift chỉ để thưởng thức và học cách dùng từ, học Tiếng Anh thì bây giờ, thông qua quan sát các hoạt động của nữ ca sĩ, mình đã học được nhiều bài học hữu ích về branding. Từ việc sử dụng storytelling sâu sắc đến tận dụng những easter egg, Taylor đã xây dựng một hình ảnh cá nhân mạnh mẽ và quan trọng hơn, duy trì nó một cách nhất quán qua suốt thời gian phát triển sự nghiệp.
Trên đây là 13 bài học về branding cá nhân mình đã học được từ Taylor Swift, mình nghĩ có nhiều khía cạnh khác của Taylor mà chúng ta có thể học hỏi như tình thần bền bỉ vượt qua thị phi và vươn lên phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, bài viết này mình chỉ muốn chia sẻ về khía cạnh branding.
Hy vọng bài viết mang đến nhiều thông tin hữu ích cho mọi người.
Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:
🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946
🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh
🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê)
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh
***Bài viết cũng được tác giả đăng tải trên Brands Vietnam.
12
Leave a Reply