Birth Order Theory – Khi thứ tự sinh có thể ảnh hưởng đến tính cách

Bạn có từng thắc mắc tại sao mỗi người trong gia đình có một tính cách riêng biệt, dù họ có cùng môi trường lớn lên và được nuôi dưỡng bởi cùng cha mẹ? Birth Order Theory (Lý thuyết Thứ tự sinh) đã nghiên cứu và đưa ra lý giải thú vị về việc tính cách của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi thứ tự sinh ra trong gia đình.

Thật ra đây cũng là một chủ đề mà trước đây Trinh và một người bạn thân của mình đã cùng nhau thảo luận khi cả hai đang chia sẻ về việc phát triển bản thân (bạn Trinh là con cả và Trinh là con út). Sau đó, Trinh có tình cờ gặp lại chủ đề này khi đọc sách Originals: How Non-conformists Change the World của Adam Grant. Hai sự kiện này đã thôi thúc Trinh tìm hiểu về Birth Order Theory và viết bài này. Là con út trong gia đình, Trinh thấy các syndrome từ lý thuyết này cũng có phần khá đúng với thực tế bản thân mình. Nó cũng giúp Trinh đối chiếu lại với tính cách của anh chị và thấu hiểu hơn khó khăn của mọi người.

Hãy cùng Trinh tìm hiểu về tác động của Thứ tự sinh đối với tính cách của qua bốn loại Syndrome phổ biến ngay bên dưới nha!

I. Birth Order Theory: Lý thuyết Tứ tự sinh là gì?

Birth Order Theory là một trong những lý thuyết quan trọng trong tâm lý học gia đình. Được đề xuất bởi nhà tâm lý học người Áo, Alfred Adler, vào thế kỷ 20. Lý thuyết này nghiên cứu sự ảnh hưởng của thứ bậc con cái trong gia đình đến việc hình thành tính cách của họ. Adler cho rằng thứ tự sinh của con cái trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, cảm xúc và cách thức tiếp cận cuộc sống.

II. Bốn loại Syndrome phổ biến theo thứ tự sinh:

Birth Order Theory đã định danh bốn loại Syndrome phổ biến dựa trên thứ tự sinh của con cái trong gia đình:

1. Hiệu ứng Con cả (The Oldest Child Syndrome)

Theo Lý thuyết Thứ tự sinh Adlerian, con cả (con đầu) thường được hưởng lợi từ sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ. Tuy nhiên, vị trí quyền lực của họ bị chiếm đoạt khi có các em kế tiếp ra đời. Mang trọng trách cao hơn các em nhỏ, con cả thường phát triển tính cách nghiêm túc, tự tin và có khả năng lãnh đạo. Họ thường chịu áp lực và tự đặt kỳ vọng cao lên bản thân để làm gương cho các em. Việc đòi hỏi phải làm gương và gánh vác trách nhiệm gia đình cũng tạo ra những áp lực và khó khăn cho con cả.

Theo lý thuyết này, những đặc điểm của con cả bao gồm:

  • Kiểm soát: Con cả thường có xu hướng muốn kiểm soát tình huống và quyết định. Họ thường là người chịu trách nhiệm và đảm bảo mọi việc diễn ra một cách trật tự và có kế hoạch.
  • Tận tụy: Con cả có xu hướng tận tụy và cam kết với những mục tiêu và trách nhiệm mà họ đảm nhận. Họ thường là người trung thành và kiên định trong việc hoàn thành nhiệm vụ.
  • Thận trọng: Con cả thường cẩn trọng và cân nhắc trước khi ra quyết định hoặc hành động. Họ thường suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
  • Đáng tin cậy và trách nhiệm: Con cả được đánh giá cao vì tính đáng tin cậy và trung thực của họ. Họ thường là người mà mọi người có thể dựa vào và trông cậy trong những tình huống khó khăn.
  • Áp lực phải thành công: Do nhận được nhiều sự chú ý và kỳ vọng từ cha mẹ khi còn nhỏ, con cả thường phát triển tính cách quyết tâm và kiên nhẫn, giúp họ nổi bật trong việc đạt được thành công trong cuộc sống.
  • Có tổ chức: Con cả thường có xu hướng tổ chức và lập kế hoạch một cách cẩn thận. Họ thích sự trật tự và có cấu trúc trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

2. Hiệu ứng Con giữa (The Middle Child Syndrome)

Con giữa thường cảm thấy bị lạc lõng và bỏ rơi giữa anh chị lớn hơn và em nhỏ. Họ có cảm giác như bị lấy đi vị trí quan trọng trong gia đình. Vì vậy, con giữa có thể trở nên cạnh tranh hoặc nổi loạn. Tuy nhiên, họ cũng có thể bình tĩnh và được xem là nhân tố giữ được sự cân bằng và có xu hướng hoà giải giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, họ sẽ có điểm hạn chế là thích làm vừa lòng người khác, nhưng đi kèm đó cũng là thế mạnh về kỹ năng giao tiếp xã hội và khả năng đàm phán tốt.

Những đặc điểm tính cách khác có thể bao gồm:

  • Dĩ hoà vi quý: Con giữa thường có tính cách hòa nhã và muốn hòa giải trong các tình huống xung đột. Họ thường cố gắng làm dịu những mâu thuẫn giữa anh chị em hoặc các thành viên trong gia đình.
  • Thích làm vừa lòng người khác: Con giữa có xu hướng muốn làm vừa lòng những người xung quanh. Họ thích nhận được sự đánh giá tích cực từ người khác và cảm giác rằng mình đóng góp vào việc giữ cho gia đình hòa thuận.
  • Dễ hoà nhập xã hội: Con giữa thường có khả năng giao tiếp xã hội tốt và thích tham gia vào các hoạt động nhóm. Họ thường tận hưởng việc kết nối và tương tác với bạn bè và người thân.

3. Hiệu ứng Con út (The Youngest Child Syndrome)

Con út là “em bé” trong gia đình và vị trí này không bao giờ bị lấy đi. Do được nuông chiều bởi cha mẹ và anh chị, con út thường muốn trở nên “lớn hơn” và không muốn mãi là “em bé”. Họ thích được chú ý và thường sở hữu tính cách hài hước và hoạt bát. Tuy nhiên, sự nuông chiều này cũng có thể làm cho con út dễ phụ thuộc và ích kỷ.

Tính cách đặc thường thấy của con út cũng có thể bao gồm:

  • Thích vui vẻ: Con út thường có tính cách vui vẻ, yêu thích và đánh giá cao những trải nghiệm tích cực. Họ có xu hướng thích tạo nên không khí vui vẻ và lạc quan trong gia đình.
  • Muốn là trung tâm của sự chú ý: Vì là “em bé” trong gia đình và thường được nuông chiều, con út thường muốn thu hút sự chú ý từ các thành viên khác, đặc biệt là cha mẹ và anh chị em.
  • Hoạt bát: Con út thường rất năng động và tràn đầy năng lượng. Họ thích tham gia vào các hoạt động vui chơi và sẵn lòng tham gia vào các hoạt động gia đình và xã hội.
  • Tập trung vào bản thân họ: Mặc dù con út có tính cách hòa đồng và thích giao tiếp xã hội, nhưng do thường được nuông chiều và chăm sóc, họ cũng phát triển tính cách hơi tập trung vào bản thân mình, độc lập và tự lập trong việc làm mọi việc một mình.

4. Hiệu ứng Con một (The Only Child Syndrome)

Con một thường được hưởng sự chú ý đặc biệt từ cả cha mẹ, điều này có thể khiến họ bị nuông chiều giống như con út. Họ không phải chia sẻ cha mẹ với anh chị em, nên khi trưởng thành, họ có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ sự chú ý và những thứ khác. Họ cũng thường được đánh giá là “ông cụ/bà cụ non” do trưởng thành hơn so với tuổi. Con một thường cầu toàn, họ có tính cách kiên nhẫn và lãnh đạo.

Những đặc điểm tính cách của con cái duy nhất có thể bao gồm:

  • Cầu toàn: Con một thường có xu hướng đòi hỏi sự hoàn mỹ từ bản thân và người khác. Họ muốn làm mọi việc một cách xuất sắc và đạt được mục tiêu cao nhất.
  • Chăm chỉ: Con một thường rất chăm chỉ và kiên trì trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Họ có ý chí mạnh mẽ và sẵn lòng nỗ lực hết mình để đạt được thành công.
  • Lãnh đạo: Vì không có anh chị em, con một thường phát triển tính cách lãnh đạo. Họ có xu hướng tự tin và có khả năng thúc đẩy và hướng dẫn người khác.
  • Tận tụy: Con một thường rất tận tụy và trung thành với gia đình và bạn bè. Họ coi trọng các mối quan hệ và luôn sẵn lòng hỗ trợ và chăm sóc người thân yêu.

III. Cách hỗ trợ phát triển tính cách đối với từng vị trí trong gia đình:

Theo Parents (được kiểm định bởi Dr. Ann-Louise T Lockhart, PsyD, ABPP), để hỗ trợ phát triển tính cách của con cái, gia đình có thể thực hiện một số cách thức khác nhau dựa trên vị trí thứ tự sinh của họ:

  • Đối với con cái cả, hãy đặt kỳ vọng cao về trách nhiệm và giúp họ phát triển tính cách lãnh đạo thông qua việc tham gia vào các hoạt động quản lý và lãnh đạo.
  • Đối với con giữa, hãy tạo điều kiện cho họ được chia sẻ ý kiến và cảm xúc của mình, đồng thời đảm bảo sự công bằng và tôn trọng đối xử giữa các thành viên trong gia đình.
  • Đối với con út, hãy khuyến khích họ thể hiện sự sáng tạo và độc lập, đồng thời giúp họ phát triển tính cách tự tin và biết cách tự quyết định.
  • Đối với con một, hãy tạo điều kiện cho họ được thể hiện bản thân và khám phá thế giới xung quanh. Hãy đảm bảo họ có cơ hội giao tiếp và tương tác với bạn bè cùng trang lứa để phát triển tính cách xã hội.

IV. Sự ảnh hưởng của gia đình và môi trường xã hội: Nhìn vào cá nhân và sự đa dạng tính cách

Dù Lý thuyết Thứ tự sinh có thể cung cấp một cái nhìn thú vị về sự ảnh hưởng của thứ bậc con cái trong gia đình đối với quá trình hình thành và phát triển tính cách, điều quan trọng là nhìn vào mỗi cá nhân một cách đa dạng và khách quan. Mỗi người là một cá thể độc lập, và tính cách của họ phụ thuộc không chỉ vào thứ tự sinh mà còn vào nhiều yếu tố khác nhau như giáo dục, trải nghiệm cá nhân, tâm hồn và sự tương tác với môi trường xã hội. Các yếu tố quan trọng bao gồm:

  • Gia đình: Phong cách nuôi dạy, quan hệ với cha mẹ và anh chị em.
    Gia đình là nơi con cái tiếp xúc và tương tác đầu tiên trong cuộc sống, và họ học hỏi nhiều giá trị và hành vi từ cha mẹ và anh chị em
  • Môi trường xã hội: Văn hóa, giáo dục, bạn bè và những mối quan hệ xã hội.
    Môi trường xã hội cũng đóng góp vào việc hình thành tính cách thông qua sự tương tác với bạn bè, đồng nghiệp và xã hội nói chung.

Chính vì vậy, Lý thuyết Thứ tự sinh cũng mang tính tương đối và không đại điện lẫn mang tính chính xác cho mọi trường hợp. Trong việc hiểu và hỗ trợ sự phát triển tính cách của mỗi người, chúng ta cần kết hợp nhiều yếu tố và cân nhắc đến sự đa dạng của con người. Tính cách không mãi bất đinh và không thay đổi, mà nó được hình thành và phát triển qua quá trình trưởng thành và tương tác với thế giới xung quanh.

V. Kết luận:

Birth Order Theory là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính cách của con người. Sự ảnh hưởng của gia đình và môi trường xã hội cũng đóng góp quan trọng trong việc hình thành tính cách. Bản thân Trinh cũng đã học được nhiều từ “Youngest Child Syndrome” vì Trinh là con út. Việc tìm hiểu các hiệu ứng thứ tự sinh cũng giúp Trinh đồng cảm và thấu hiểu hơn cho anh chị mình, đều mà khi còn nhỏ, Trinh đã không làm được.

Tóm lại, Trinh nghĩ để hỗ trợ phát triển tính cách một cách toàn diện, chúng ta nên xem xét cả yếu tố Birth Order cùng với nhiều yếu tố khác nhau. Điều quan trọng là hiểu rõ và tôn trọng tính cách đa dạng của mỗi người, từ đó xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong chính gia đình mình và xa hơn là trong xã hội.

Hy vọng bài viết mang đến nhiều thông tin hữu ích cho mọi người.

Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:

🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946

🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh

🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê) 
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh

11

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *