Dave Ramsey’s 7 Baby Steps: Những bước “nhỏ mà có võ” giúp bạn làm chủ tài chính

Trước đây, trong loạt bài viết về tài chính, đặc biệt là chủ đề trả nợ, mình có từng đề cập đến bác Dave Ramsey, một chuyên gia tài chính cá nhân nổi tiếng tại Mỹ với Phương pháp 7 Baby Steps, giúp mọi người trả nợ thành công và đạt được tự do tài chính.

Là người đã từng nợ và trả nợ thành công, mình đã hiểu biết về tài chính và khôn ngoan hơn trong quản lý tiền bạc nhờ vào 7 Bước Nhỏ của bác Dave Ramsey. Phương pháp này cũng được đông đảo người Mỹ hưởng ứng nhờ tính đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả, phù hợp với mọi đối tượng, bất kể thu nhập hay trình độ tài chính. Chị Chi Nguyễn – Chủ kênh The Present Writer cũng từng đề cập rất nhiều về bác Dave Ramsey cũng như phương pháp này.

Vậy Phương pháp 7 Bước Nhỏ là gì? Nó hoạt động như thế nào? Và mình đã áp dụng phương pháp này ra sao để thoát nợ? Mời các bạn cùng xem qua bài viết dưới đây nhé.

Dave Ramsey là ai?

Dave Ramsey là một chuyên gia tài chính cá nhân nổi tiếng người Mỹ, được hàng triệu người tin tưởng và tìm kiếm bởi những lời khuyên thiết thực, dễ hiểu và hiệu quả về cách quản lý tiền bạc, thoát khỏi nợ nần và đạt được tự do tài chính.

Dave Ramsey thu hút người nghe bởi khả năng thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của họ. Ông sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu để giải thích các khái niệm tài chính phức tạp, đồng thời chia sẻ những câu chuyện thực tế, kinh nghiệm bản thân để minh họa cho lời khuyên, giúp người nghe dễ dàng tiếp thu và áp dụng vào thực tế.

Dave Ramsey là tác giả của nhiều tác phẩm bán chạy về tài chính cá nhân, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến “The Total Money Makeover” và “Financial Peace University”. Những cuốn sách này đã giúp hàng triệu người thoát khỏi nợ nần và đạt được tự do tài chính. Ông cũng được biết đến với Podcast “The Ramsey Show”, nơi ông trò chuyện và giải đáp thắc mắc trực tiếp từ những người gửi thông tin đến chương trình (lưu ý là bác Dave có phong cách hơi thẳng thắn, lớn giọng, không phù hợp cho những trái tim mong manh dễ vỡ đâu nha).

Phương pháp 7 bước “nhỏ mà có võ” của Dave Ramsey

Phương pháp 7 Bước Nhỏ (7 Baby Steps) là hệ thống quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng nhất của Dave Ramsey, được chia sẻ chi tiết trong cuốn sách “The Total Money Makeover” (mình biết đến qua Instagram của bác chứ chưa đọc sách). Phương pháp này bao gồm 7 bước thiết yếu, từng bước dẫn dắt bạn thoát khỏi nợ nần và xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.

1. Xây dựng Quỹ dự phòng khẩn cấp (Save $1,000 for Your Starter Emergency Fund)

Theo Dave Ramsey, mục tiêu đầu tiên của bạn là nên tiết kiệm 1.000 USD nhanh nhất có thể để tạo dựng quỹ khẩn cấp, ngay cả khi bạn đang có nợ. Quỹ này sẽ giúp bạn trang trải những chi phí bất ngờ trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp,… mà không cần vay nợ.

Bí quyết tiết kiệm từ bác Dave:

  • Xác định mức chi tiêu hàng tháng: Ghi chép lại tất cả chi tiêu trong một tháng để nắm rõ tình hình tài chính của bạn.
    Ghi chú: Đây là hoạt động có vẻ hơi tủn mủn và khá tốn thời gian, nhưng nếu bạn chưa có kỷ luật tài chính và không hiểu thu chi của mình như thế nào thì đây là việc bạn nên làm. Khi đã rõ khuôn mẫu chi tiêu của bản thân, hãy tự phân chia ngân sách như bước tiếp theo.
  • Lên ngân sách thu chi mỗi tháng (Monthly Budget): Lập kế hoạch chi tiêu hợp lý và dành một khoản nhất định mỗi tháng để tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp. Có rất nhiều quy tắc budgeting trên mạng, bạn có thể search và tìm hiểu. Trong đó nổi tiếng nhất là quy tắc 50-30-20.
  • Tự động hóa quá trình tiết kiệm: Sử dụng tính năng chuyển khoản tự động từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm để đảm bảo bạn luôn tiết kiệm đều đặn. Minh đang dùng tính năng này của ngân hàng ACB. Mỗi tháng, tài khoản của mình sẽ tự trích tiền từ Checking account sang Saving account.
  • Kiên trì và kỷ luật: Xây dựng quỹ khẩn cấp cần thời gian và sự kiên trì. Hãy kiên định với kế hoạch tiết kiệm của bạn và đừng nản lòng nếu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

2. Thanh toán nợ không thế chấp (Pay Off All Debt (Except the House) Using the Debt Snowball)

Sau khi có quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn cần tập trung thanh toán các khoản nợ không thế chấp như nợ thẻ tín dụng, nợ vay mua xe, vay mua sắm,… Nợ nần là gánh nặng tài chính khiến bạn mất đi sự tự do và cản trở bạn đạt được mục tiêu tài chính. Mình đã từng nợ và khoảng thời gian đó thật sự rất áp lực, đầu óc mình luôn xoay quanh các con số thu chi đến nổi mình không còn năng lượng để làm các việc khác một cách toàn tâm toàn ý và chất lượng.

Phương pháp trả nợ được gợi ý từ bác Dave:

  • Sử dụng phương pháp “Snowball“: Ưu tiên thanh toán khoản nợ nhỏ nhất trước để tạo động lực và dần dần giải quyết các khoản nợ lớn hơn.
    Ghi chú: Trong quá trình trả nợ, thật ra mình đã không theo phương pháp này mà theo phương pháp trả các khoản có lãi cao đến lãi thấp.
  • Tăng thu nhập: Tìm kiếm thêm các cơ hội kiếm tiền để có thêm nguồn lực thanh toán nợ nhanh hơn.
  • Giảm chi tiêu: Cắt giảm chi tiêu không cần thiết để tiết kiệm thêm tiền thanh toán nợ.
  • Tránh vay nợ mới: Nói không với việc vay thêm tiền để tránh tình trạng “vay đầu này đắp đầu kia”.

3. Tiết kiệm 3-6 tháng chi tiêu (Save 3–6 Months of Expenses in a Fully Funded Emergency Fund)

Khi đã thanh toán hết các khoản nợ không thế chấp, hãy tiếp tục tiết kiệm để xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp như ở bước 1. Mục tiêu là tiết kiệm được tối thiểu 3-6 tháng chi tiêu để đảm bảo tài chính và sẵn sàng cho những mục tiêu lớn hơn như mua nhà, đầu tư,… Theo anh Hiếu TV, để đảm bảo an toàn, khoản này nên từ đến 12-24 tháng.

Bí quyết tiết kiệm gợi ý từ bác Dave:

  • Lập kế hoạch tiết kiệm cụ thể: Xác định số tiền bạn muốn tiết kiệm mỗi tháng và lập kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu. Trong phần này, bạn có thể tìm hiểu về Sinking Fund (Quỹ chìm), tức là một quỹ tiết kiệm dành cho các chi tiêu đã được lên kế hoạch từ trước: Đi du lịch, cưới xin, mua xe, mua nhà….
  • Tìm kiếm kênh tiết kiệm phù hợp: Lựa chọn kênh tiết kiệm phù hợp với nhu cầu và mục tiêu tài chính của bạn như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư chứng chỉ tiền gửi,…
  • Tự động hóa quá trình tiết kiệm: Sử dụng tính năng chuyển khoản tự động để đảm bảo bạn luôn tiết kiệm đều đặn, như mình đã nêu ở bước 1.
  • Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch: Thường xuyên theo dõi tiến độ tiết kiệm và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.

4. Đầu tư cho tương lai (Invest 15% of Your Household Income in Retirement)

Bắt đầu đầu tư cho tương lai bằng cách góp tiền dần vào quỹ lương hưu (ở Việt Nam chúng ta có Bảo hiểm xã hội, nếu bạn đi làm, bạn sẽ thường được công ty đóng khoản này) hoặc các kênh đầu tư khác phù hợp với mục tiêu và khả năng tài chính của bạn. Đầu tư giúp bạn gia tăng tài sản và đảm bảo cuộc sống an nhàn sau khi nghỉ hưu.

Lời khuyên đầu tư từ bác Dave:

  • Bắt đầu sớm: Bắt đầu đầu tư càng sớm, bạn càng có nhiều thời gian để tiền của bạn sinh lời.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro.
  • Lựa chọn kênh đầu tư phù hợp: Lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với nhu cầu, mục tiêu tài chính và khả năng chịu rủi ro của bạn. Một số kênh đầu tư hiệu quả tại Việt Nam có thể kể đến như gửi tiết kiệm, mua vàng/đô, bất động sản và đầu tư chứng khoán
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia: Tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp.

5. Đầu tư cho tương lai con trẻ (Save for Your Children’s College Fund)

Lên kế hoạch và tiết kiệm cho chi phí giáo dục của con, giúp con có cơ hội học tập tốt nhất. Dave Ramsey khuyên bạn nên bắt đầu tiết kiệm cho chi phí giáo dục của con ngay từ khi con còn nhỏ.

Bí quyết tiết kiệm cho chi phí giáo dục của con:

  • Bắt đầu sớm: Bắt đầu tiết kiệm càng sớm, bạn càng có nhiều thời gian để tiền của bạn sinh lời và đủ chi phí cho việc học của con.
  • Lựa chọn kênh tiết kiệm phù hợp: Như đã đề cập ở các bước trên, bạn hãy lựa chọn kênh tiết kiệm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bạn như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư chứng chỉ quỹ giáo dục,…
  • Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch: Như ý cuối bước 3.

6. Thanh toán mua nhà (Pay Off Your Home Early)

Khi đã có nền tảng tài chính vững chắc, bạn có thể cân nhắc mua nhà. Bác Dave Ramsey khuyên bạn nên mua nhà khi đã thanh toán hết các khoản nợ không thế chấp và có quỹ dự phòng khẩn cấp. Mua nhà là một quyết định quan trọng, vì vậy bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như vị trí, giá cả, diện tích, khả năng thanh toán,…

Lời khuyên khi mua nhà từ bác Dave:

  • Xác định ngân sách: Xác định số tiền bạn có thể chi trả cho việc mua nhà, bao gồm cả tiền mua nhà, tiền sửa chữa, lãi suất vay,… Ghi chú: Theo anh Ramit Sethi (một chuyên gia tài chính mình cũng từng đề cập khá nhiều trên blog của mình), bạn nên tiết kiệm tối thiểu 20% down payment (tiền trả trước) khi mua nhà.
  • Tìm kiếm nhà phù hợp: Tìm kiếm nhà phù hợp với nhu cầu, sở thích và khả năng tài chính của bạn.
  • So sánh giá cả: So sánh giá cả của các nhà khác nhau để tìm được mức giá tốt nhất.
  • Yêu cầu thẩm định nhà: Yêu cầu thẩm định nhà để đảm bảo nhà không có vấn đề gì về pháp lý và chất lượng.
  • Lựa chọn ngân hàng cho vay: Lựa chọn ngân hàng cho vay với lãi suất và điều kiện vay phù hợp.
    Ghi chú: Cái này Trinh chia sẻ thêm thôi nhưng tác giả sách Tâm lý học về tiền, anh Morgan Housel, từng mua nhà đứt và anh ấy không vay ngân hàng. Anh ấy có đề cập trong sách ở chương cuối. Điều này từng gây tranh cãi khá lớn vì khoản tiền này có thể dùng đầu tư. Nhưng anh Morgan chia sẻ, anh ấy và vợ thấy không vấn đề gì khi làm việc đó, họ có khả năng mua và họ không thích áp lực nợ nần. Tuy nhiên, đối tượng của bác Dave thường lại là người không có nền tảng tài chính vững mạnh ban đầu, nên bác ấy có đề xuất vay Trinh thấy cũng hợp lý.

7. Bắt đầu đầu tư và cho đi (Build Wealth and Give)

Khi đạt được tự do tài chính, bác Dave bạn có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn và chia sẻ sự dư dả với những người xung quanh. Đây cũng là điều Trinh thích về bác Dave. Nghe nhiều chia sẻ về bác Trinh thấy bác khá là “cộc” nhưng bác vẫn có những nguyên tắc riêng. Bước cuối này ban đầu Trinh thấy khá… sáo rỗng, nhưng nếu đi qua một hành trình tài chính dài hơn – từ trả nợ, tích luỹ và đến đầu tư, việc cho đi và bắt đầu làm những điều mình muốn sẽ khiến cuộc sống mình mang lại nhiều tác động tích cực và và để lại được “legacy”.

Cách mình áp dụng phương pháp 7 Bước Nhỏ

Thật ra trong khi chia sẻ về 7 Bước Nhỏ của bác Dave, Trinh đã có đề cập đến cách mình áp dụng phương pháp này như thế nào rồi. Và Trinh viết bài này không phải vì bản thân đã hoàn thành được cả 7 bước và đạt được tự do tài chính. Nhưng bản thân Trinh đã đi từ người có 3-4 món nợ đến hiện tại là không còn món nợ nào cả nhờ biết đến phương pháp này.

Trinh nhận ra 7 bước của bác Dave tuy “nhỏ” nhưng lại mang tác động rất lớn và cũng không đòi hỏi rất nhiều sự kỷ luật, kiên định. Tuy chưa đến được đích nhưng Trinh vẫn đang rất tận hưởng hành trình này và cảm thấy bản thân đã trưởng thành hơn nhiều từ nó, cả về kiến thức tài chính, độ cứng cáp trong tinh thần và tính trách nhiệm.

Đây cũng là điều Trinh yêu thích ở các kiến thức tài chính. Vì thức mình nhận lại được không thuần là kiến thức về quản lý tiền bạn, trả nợ và đầu tư. Ở mọi cộng đồng về tài chính mà Trinh đã tham gia, thứ Trinh thấy giá trị nhất, bên cạnh việc có một cộng đồng tương hỗ, đó chính là tinh thần trách nhiệm ở mọi người, đặc biệt khả năng sống với kết quả từ những lựa chọn của bản thân, khả năng không khuất phục trước nghịch cảnh để vun vén và tiến lên, khả năng đã tốt rồi thì sẽ làm cho bản thân mình tốt hơn nữa để chuẩn bị cho tương lai của bản thân và gia đình… Tất cả mọi thứ vượt trên cả tài chính.


Hy vọng bài viết của mình mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và thú vị.

Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:

🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946

🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh

🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê) 
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh

39

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *