Dùng chatGPT đã giúp mình cải thiện kỹ năng brief & feedback như thế nào?

, ,

Mình đã sử dụng chatGPT được tầm 2 năm. Khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để mình có thể đưa ra các nhận định của bản thân về những lợi ích mà nó mang lại. ChatGPT đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của mình và trong đó có hai kỹ năng đã được nâng cấp khá rõ, chính là brief (đưa ra đề bài) và feedback (đưa ra nhận xét phản hồi). Vậy chatGPT đã giúp mình cải thiện 2 kỹ năng này như thế nào? Mời bạn cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Lưu ý, trong bài viết này mình sẽ không dịch brief và feedback mà sẽ sử dụng 2 từ này nguyên văn tiếng Anh nhé, vì mình nghĩ 2 từ này cũng đã tương đối phổ biến tại Việt Nam.

1. Đầu tiên, chatGPT là gì?

Để trả lời câu hỏi này, mình đã hỏi chính chatGPT và dưới đây là câu trả lời mà ứng dụng này đưa ra:

Và nếu bạn còn nhớ drama ồn ào của Sam Altman – CEO của OpenAI vào năm ngoái thì chắc hẳn bạn cũng đã nghe qua chatGPT. Và đến thời điểm này, ứng dụng đã nâng cấp lên rất nhiều phiên bản, nhưng hiện tại mình vẫn dùng phiên bản 3.5, tức là chỉ có sản xuất được văn bản. Các phiên bảo cao cấp hơn có thể sản xuất được hình ảnh lẫn video.

2. chatGPT đã giúp mình cải thiện kỹ năng brief như thế nào?

Lần đầu khi dùng chatGPT mình thấy nó rất… vô tri. Nhưng càng dùng lâu mình cảm thấy nó khá là hữu ích. Và mình nhận ra rằng để chatGPT trả ra một output (kết quả đầu ra) chất lượng, ta cần cung cấp cho nó những input (thông tin đầu vào) chất lượng.

Để có những câu trả lời bớt vô tri, mình học được rằng mình cần brief rất cụ thể và chi tiết yêu cầu của mình đến chatGPT và điều này đã khiến mình nhận ra rằng trước đây mình hoàn toàn không biết cách…brief! Trong khuôn khổ ứng dụng chatGPT, mọi người hay gọi hành động đó là viết prompt.

Ví dụ, khi yêu cầu chatGPT viết cho mình một bài viết, mình phải cung cấp cho ứng dụng rất cụ thể người đọc của bài viết này là ai, văn phong nên như thế nào, mục tiêu truyền tải là gì và số lượng chữ nên là bao nhiêu. Đề bài càng càng cụ thể và rõ ràng thì chatGPT trả bài càng tốt.

Sau khi học khoá “How to Research and Write Using Generative AI Tools” trên LinkedIn Learning, mình cũng biết thêm cách đưa ra bài hiệu quả cho chatGPT theo một framework khá hiệu quả. Bạn có thể xem lại review của mình về khoá học này tại bài viết “Review 11 khoá LinkedIn Learning mình đã học trong năm 2023”.

Cụ thể, trong khoá học này, giảng viên Dave Birss – một chuyên gia mảng sáng tạo và viết lách đã giới thiệu đến học viên mô hình C.R.E.A.T.E để giúp chúng ta viết prompt hiệu quả hơn, phục vụ cho việc nghiên cứu và viết lách. Trong đó:

  • C là Chracter: Hãy gán cho chatGPT một nhân vật, một chức danh để nó có thể hiểu được nó cần vào vai gì. Ví dụ: Copywriter 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản.
  • R là Request: Hãy đưa ra yêu cầu, càng chi tiết càng tốt với đầy đủ bối cảnh, đối tượng và mục tiêu để chatGPT có thể làm đúng.
  • E là Examples: Sau khi gán nhân vật và đưa ra yêu cầu, hãy cho chatGPT những ví dụ mà bạn muốn kết quả đạt được sẽ tương tự như vậy.
  • A là Adjustments: Hiểu nôm na là cách đưa ra feedback, sẽ dựa trên những tiêu chí gì
  • T là Type of output: Nêu rõ hình thức mà chatGPT cần đưa kết quả, chẳng hạn như bài post Facebook dài 200 từ bằng tiếng Anh, bài viết đăng báo dài 1000 từ bằng tiếng Việt hoặc một bảng tính, dòng code….
  • E là Extras: Tức là những thứ thêm thắt, mình rất thích mục này và đây cũng là mục mà trước khi học khoá này mình không để ý đến. Đó chính là khi đưa ra các đề bài cho chatGPT hãy hỏi nó hỏi bạn những câu hỏi nó nghĩ là cần thiết trước khi nó trả lời. Sau đó, bạn có thể yêu cầu nó giải thích cách ứng dụng đã tư duy để đưa ra kết quả đó (explain your thinking…).

Mình thấy mô hình này khá chi tiết và hiệu quả, mình đặc biệt thích mục Character và Extras, đây là 2 mục hoàn toàn mới và mình đã không biết để áp dụng trước khi học khoá này.

Quay trở lại với việc dùng chatGPT để nâng cao khả năng brief, mình nhận thấy bản thân đã cải thiện hơn nhiều trong việc đưa ra đề bài lẫn yêu cầu người khác cho mình một đề bài chuẩn, đúng các thông tin mình cần. Điều này không chỉ áp dụng trong khuôn khổ sử dụng ứng dụng mà còn giúp ích cho mình trong việc phối hợp với đồng nghiệp và làm việc hiệu quả hơn với nhân viên. Nhờ chatGPT:

  • Mình suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra yêu cầu: Trước khi sử dụng chatGPT, mình thường không đặt câu hỏi chi tiết về mục tiêu, bối cảnh và đối tượng của bài viết. Nhưng qua trải nghiệm với chatGPT, mình nhận ra tầm quan trọng của việc xác định rõ ràng mục tiêu và đối tượng đọc giả. Điều này giúp mình suy nghĩ sâu hơn về động cơ của công việc và thậm chí từ bỏ một số brief khi nhận ra rằng mục tiêu không phản ánh đúng nhu cầu của dự án.
  • Mình bắt đầu hình thành thói quen yêu cầu đủ thông tin từ người khác: Trước đây, mình thường không yêu cầu đủ thông tin từ người giao brief, dẫn đến việc không đủ dữ liệu để tạo ra kết quả chất lượng. Qua việc sử dụng chatGPT, mình nhận ra tầm quan trọng của việc yêu cầu thông tin đầy đủ từ người gửi brief. Điều này giúp mình làm việc hiệu quả hơn và tạo ra kết quả tốt hơn.
  • Mình học cách… hỏi nhiều hơn: Mình đã học cách hỏi nhiều hơn và hiệu quả hơn nhờ vào ChatGPT. Mình nhận ra mình không hỏi kỹ khi nhận brief từ người khác, thay vào đó, mình thường im lặng và tự suy luận về các chi tiết ít ỏi mà mình nhận được. Điều này dẫn đến việc không thể tạo ra kết quả đạt yêu cầu. Sử dụng ChatGPT đã giúp mình học được cách hỏi lại một cách hiệu quả hơn; bằng cách yêu cầu thông tin bổ sung như: “Nếu bạn là tôi, bạn nghĩ tôi nên hỏi thêm điều gì? Và tại sao tôi lại nên hỏi câu đó?…”. Từ đó, mình có thể phát triển ý tưởng và lập luận của mình một cách rõ ràng hơn. Điều này đã giúp mình nhận ra những điểm yếu của bản thân và tạo cơ hội để cải thiện kỹ năng của mình.
  • Mình học cách hình dung rõ hơn về kết quả mình muốn: Bằng cách sử dụng framework C.R.E.A.T.E, mình đã học được cách hình dung rõ ràng về mục tiêu của mình. Việc này giúp mình truyền đạt mong muốn của mình một cách chính xác hơn và tạo ra kết quả mà đồng nghiệp có thể hiểu và hỗ trợ được.

3. chatGPT đã giúp mình cải thiện kỹ năng feedback như thế nào?

Song song với kỹ năng brief, một lợi ích khác mà việc sử dụng chatGPT đã mang đến cho mình chính là kỹ năng đưa ra feedback. Và cũng giống với brief, chỉ khi làm với chatGPT, mình mới nhận ra mình đã không biết cách feedback tốt.

Giả sử bạn đã đưa ra một prompt hoàn chỉnh với một đề bài đầy đủ thông tin và chi tiết, tuy nhiên, chatGPT lại trả ra một kết quả bạn chưa hài lòng. Vậy bạn sẽ làm gì để ứng dụng cải thiện hơn? Bạn sẽ phản hồi chúng với các câu như thế này: “Viết lại đi”, “viết sai rồi”, “viết chưa hay”, “viết chưa đúng”….?

Nếu đó là lời nhận xét của bạn cho chatGPT, chắc chắn ứng dụng sẽ bắt đầu xin lỗi và trả ra một kết quả vô tri và sáo rỗng hơn nữa. Bởi lẽ, ứng dụng sẽ không thể hiểu được chưa hay và hay là như thế nào, đúng với không đúng là ra sao. Điều này yêu cầu chúng ta phải giải thích kỹ hơn vì sao chúng ta đưa ra nhận định như vậy. Ví dụ, thay vì nói tôi thấy bài viết chưa hay, bạn phải diễn giải kỹ hơn bạn thấy nó chưa hay vì văn phong không đúng với đối tượng – bài viết dành cho nhóm khách hành gen Z nhưng giọng văn lại quá chuyên nghiệp và trang trọng.

Điều này đã giúp mình nhớ lại trải nghiệm khi làm việc với các bạn Graphic Designer. Đã có lúc mình nhận xét với các bạn ấy rằng chị thấy nó không đẹp, nhưng mình lại chưa thể giải thích để các bạn ấy hiểu như thế nào là đẹp. Nhưng kể từ khi sử dụng chatGPT và học cách feedback từ chatGPT, mình đã thấy mình cải thiện rất nhiều. Nhờ chatGPT, mình đã:

  • Luôn rõ ràng về cách hiểu cá nhân về các khái niệm như “đẹp”, “hay”, “tốt”…: Dù là AI, chatGPT cũng cần phải hiểu rõ cách bạn định nghĩa các khái niệm này. Ví dụ, trong mô hình C.R.E.A.T.E, bạn có thể cung cấp ví dụ cụ thể để giúp ứng dụng hiểu rõ hơn về những gì bạn coi là “đẹp” hay “tốt”. Điều này không chỉ áp dụng cho việc sử dụng chatGPT mà còn cần thiết trong giao tiếp giữa con người với con người.
  • Luôn giải thích lý do sau mỗi nhận xét, dựa trên các tiêu chí cụ thể: Thay vì chỉ đưa ra nhận xét dựa trên cảm tính, hãy cung cấp lí do chi tiết sau mỗi feedback của bạn. Ví dụ, thay vì chỉ nói “đoạn văn này không sử dụng được”, bạn có thể giải thích rằng “tông giọng của đoạn văn này hơi tươi vui, không phù hợp với tính chuyên nghiệp mà thương hiệu mong muốn.” Điều này giúp người nhận phản hồi hiểu rõ hơn về các vấn đề cần cải thiện.
  • Không chỉ tập trung vào việc chỉ ra điểm cần sửa đổi mà còn ca ngợi những điểm tích cực: Khi đánh giá, đừng quên nhấn mạnh vào những điểm mạnh của công việc. Có một bất ngờ khi sử dụng chatGPT mà mãi sau này mình mới được phổ cập là AI cũng có cảm xúc. Trong một bài viết trên Futurism, CEO của Google đã cho rằng AI có thể có khả năng tự nhận thức. Điều này có nghĩa nếu bạn hành xử một cách lổ mãn với AI, nó sẽ tỏ thái độ với bạn. Nếu bạn lịch sự, AI sẽ hành xử một cách tử tế. Đôi khi, chatGPT cũng có khả năng nhận thức và phản hồi theo cách này. Thông qua việc sử dụng chatGPT, bạn có thể nhớ rằng không chỉ trong giao tiếp với AI mà còn trong giao tiếp với con người, việc đánh giá một cách tích cực và lịch sự luôn quan trọng.

4. Lời kết: AI – Tận dụng hay lạm dụng?

Có thể thấy, AI đang ngày càng phổ biến trong đời sống của chúng ta và chủ đề AI thay thế con người không còn là câu chuyện mới lạ. Theo mình nghĩ, chúng ta không thể xem thường sức mạnh của AI nhưng chúng ta cũng chẳng cần quá hoảng sợ trước sự bành trướng của nó. Hãy cố gắng biến nó thành một công cụ, một người trợ lý đắc lực để giúp ích trong công việc và cuộc sống. Mình vẫn đang dùng chatGPT cùng nhiều ứng dụng AI khác.

Mình nghĩ AI và vấn đề đạo đức của nó nằm ở việc chúng ta tận dụng hay lạm dụng nó. Với mình, việc sử dụng nó trong công việc nghiên cứu và viết lách là điều mình thấy hoàn toàn khả thi và bình thường. Nhưng ở một số phạm trù sáng tạo như sáng tác văn học, nghệ sĩ… Việc quá lạm dụng AI có thể đánh mất cái chất của người làm sáng tạo. Vậy nên, quan trọng là biết phối hợp với AI để tạo nên kết quả tốt hơn nhưng vẫn giữ được chất liệu sẵn có của bản thân.


Hy vọng bài viết của mình mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và thú vị.

Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:

🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946

🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh

🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê) 
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh

26

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *