Học văn hóa & lịch sử qua phim ảnh và âm nhạc

Mình học chuyên ngành Văn hóa & Văn học Anh – Mỹ và rất rất thích ngành học của mình. Mình vẫn còn nhớ 2 năm cuối đại học là 2 năm mình tận hưởng việc học nhất và cảm thấy rất muốn đến lớp, đến trường để được học. Trong 2 năm đó mình học các môn chính như: US Identity, UK Identity, British Lit, American Lit, British and American History,…

Mình nghĩ mình đã tận hưởng việc học như vậy không phải chỉ vì mình thích tìm hiểu văn hóa và lịch sử của các nước khác. Phần lớn nó còn nhờ vào phương pháp dạy rất hay của các giảng viên bộ môn. Dưới đây mình thống kê cách giảng dạy của các thầy cô chia theo 3 bộ môn chính: Lịch sử, Văn học và Văn hóa:

  • Học Sử qua phim ảnh: Cách học môn Sử là giảng viên yêu cầu tụi mình xem trước một bộ phim phản ánh đúng thời kỳ đó và sau đó mỗi nhóm về làm powerpoint để thuyết trình trước lớp. Cả lớp chia làm các nhóm và mỗi nhóm đảm nhận thuyết trình về một bộ phim. Tụi mình được học trong một phòng khá nhỏ ở sảnh B trường Đại học KHXH&NV (USSH). Điều tuyệt vời là phòng này có máy lạnh và thi thoảng thầy cô sẽ cho tụi mình xem phim và MV nhạc, còn tụi mình thì có thể mua Coca hoặc bỏng ngô để vừa xem vừa… học. Mình rất rất thích và nhớ khoảng thời gian đó. Dưới đây là các bộ phim trải dài theo lịch sử Mỹ và lịch sử Anh mình đã xem để học. Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu về chuyên ngành này, mình nghĩ list dưới đây sẽ rất có ích cho bạn:
    • Lịch sử Mỹ:
      • Gone With The Wind: Phim lấy bối cảnh những năm 1860s, giai đoạn nội chiến Mỹ.
      • The Great Gatsby: Mô phỏng nước Mỹ những năm 1920s. Đây được xem là “An era of conflict and contrast”, vì nó được tôn vinh với nét phổ biến như: Roaring 20s, Jazz Age, The Harlem Renaissance (Sự lên ngôi của nghệ thuật Mỹ Phi tại trung tâm New York) Prosperity and Conformity. Nhưng bên cạnh đó, đó còn là thập kỷ của: Conflict, Contrast, Reaction và Controversy với The Lost Generation (ám chỉ thế hệ nghệ sĩ vừa bước ra sau thời kỳ Thế chiến đầu tiên).
      • Chicago: Phim này cũng mô phỏng nước Mỹ những năm 1920s nhưng xoáy sâu vào vấn đề tội phạm và sự lên ngôi của thời kỳ nhạc Jazz.
      • Casablanca: Mô tả bối cảnh đầu Thế chiến 2 – những năm 1940s. Mình còn nhớ thầy giáo đã cho tụi mình xem MV ca nhạc Casablanca do Bertie Higgins thể hiện. Sau đó thầy cùng cả lớp phân tích từng ý trong lời bài hát.
      • Far From Heaven: Tái hiện Hoa Kỳ những năm 1950s – Đây được xem là thời kỳ “Postwar Booms” vì sau Thế chiến thứ 2, nước Mỹ chứng kiến sự bùng nổ về mọi mặt, từ kinh tế, xu hướng sống ở ngoại ô và hơn hết là “baby boom” với sự ra đời của Gen X (baby boomers, những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964). Đây là giai đoạn của cuộc Chiến tranh lạnh (Mỹ – Xô Viết) và Phong trào Dân quyền Hoa Kỳ (Civil rights movement) kéo dài đến tận những năm 1960s. Sự kiện của Rosa Park cũng diễn ra vào thập kỷ này (1955).
      • The Help: Kể về nước Mỹ những năm 1960s. Những năm 1950s đã góp phần định hình giai đoạn 1960s. Phong trào Dân quyền Hoa Kỳ tiếp tục tiếp diễn một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết và bộ phim cũng tập trung nêu bật vấn đề nhức nhối trên. Bài diễn văn “I have a dream” nổi tiếng của Martin Luther King, Jr. cũng diễn ra trong giai đoạn này (1963). 1960s cũng là giai đoạn nước Mỹ biểu tình về Chiến tranh Việt Nam và cũng là thời kỳ lên ngôi của văn hóa “Hippies”. Sau Hippies là sự trỗi dậy của Yuppies vào những năm 1980s.
      • Milk: Đây là bộ phim về chính trị gia – nhà hoạt động xã hội đồng tính Harvey Milk. Bộ phim tái hiện lại cột mốc lịch sử vào những năm 1970s của nước Mỹ khi có người đồng tính đầu tiên được bầu chọn vào Quốc hội. Và đây chính là bộ phim nhóm mình thuyết trình haha.
      • Forrest Gump: Mô phỏng nước Mỹ giai đoạn từ 1950s-1980s. Trong phim có đề cập đến khá nhiều sự kiện lịch sử như Chiến tranh Việt Nam, Forrest gặp tổng thống JFK, điệu nhảy Elvis, hạ cánh xuống mặt trăng,… Nếu muốn nắm tóm gọn các cột mốc chính trong 30 năm này, mình nghĩ Forrest Gump là bộ phim phù hợp.
      • American Beauty: Nước Mỹ 1990s, đẹp nhưng ẩn khuất nhiều vấn đề “xấu xí” của Giấc mơ Mỹ – American Dream. Phim đặc biệt xoáy sâu vào các vấn đề mà nước Mỹ và phương Tây đang phải đối mặt như: Vẻ ngoài, sự thành công, hiểu biết sâu sắc về người khác,…
    • Lịch sử Anh:
      • So với nước Mỹ, Lịch sử nước Anh dài hơn rất rất nhiều với bao vương triều và hằng trăm cuộc chiến, hàng ngàn sự kiện lịch sử,… Nhưng tổng quát gồm 8 giai đoạn (theo giáo trình học của trường mình) là: Earliest times, The early Middle Ages, The late Middle Age, The Tudors, The Stuarts, The 18th century, The 19th century và The 20th Century. Mình list ra các phim mình đã xem để học. Tuy nhiên không mô tả như trên phần Lịch Sử Mỹ vì nó quá nhiều thông tin: Braveheart, Joan of Arc, The Other Boleyn Girl, Pride and Prejudice, Jane Eyre, My Fair Lady, Shakespeare in Love, Atonement, Made in Dagenham.
      • Một vài phim khác về Lịch sử Anh thầy mình có đề nghị là nên xem nếu có thời gian: Victoria, King Arthur, 1066, The King’s Speech, The English Patient, Wuthering Heights, The Libertine, A Tale of Two Cities, Elizabeth, The Tudors (TV Series),…
  • Học Văn qua tiểu thuyết: Đối với các môn Văn, giảng viên sẽ cho tụi mình đọc các tác phẩm văn học nổi tiếng và cũng viết luận. Thực ra mình thích học Sử và Văn hóa hơn, môn Văn với mình hơi “khoai” vì mình phải đọc rất nhiều sách, tiểu thuyết ngày xưa. Trong khi đó tác giả thì toàn dùng từ cổ nên vừa đọc vừa tra từ điển rất nhọc (mà vẫn không hiểu tác phẩm muốn nói cái gì hic). Tuy nhiên đây lại là môn mà mình có nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhất. Các thầy cô môn này rất khó và chấm bài luận vô cùng khắt khe. Nhưng mình đã cố gắng hết sức và cuối cùng nhận được điểm số khá ổn (7.5, cao nhất của môn này là 8) và được thầy tuyên dương trước lớp là “người lội ngược dòng chiến thắng” vì mấy bài luận trước đó của mình khá thảm. Mình đã rất rất vui, nên lưu luôn file điểm về cất như hình bên dưới haha.
  • Học Văn hóa qua âm nhạc/TV Show và TV Series: Đây là môn mình thích nhất. Tụi mình được giảng viên cho xem các MV ca nhạc và yêu cầu phân tích các yếu tố về văn hóa đại chúng (Pop Culture) trong từng MV. Đặc biệt là môn văn hóa Mỹ vì Pop Culture gắn với văn hóa Mỹ. Mình còn nhớ đề thi giữa kỳ (hay cuối kỳ gì đó mình không rõ) là phân tích các yếu tố Pop Culture qua một trong hai MV là Dark Horse – Katy Perry và Judas – Lady Gaga. Mình ý thức được âm nhạc là một phần rất lớn trong văn hóa đại chúng. Vì vậy, sau khi học môn này mình hay có xu hướng xem MV và chú ý đến các yếu tố về văn hóa, xã hội trong MV đó. Ngoài ra, mình còn xem khá nhiều TV Series để vừa học cách giao tiếp và tìm hiểu về lối sống của người Mỹ, người Anh. Một vài series quá kinh điển và phổ biến mình đã xem là: How I Met Your Mother, Friends, The Big Bang Theory (chưa hết), Gossip Girls, Game of Thrones, The Tudors (chưa hết), The Sherlock Holmes (chưa hết)…

Một điểm mình lưu ý là để học nhanh và hiệu quả là tốt nhất nên chọn các thể loại phim, âm nhạc, TV Show hoặc tác phẩm văn học mà bạn yêu thích. Ví dụ, khi học về Văn hóa Mỹ, mình chọn các TV Series mà mình thích xem để xem, vừa xem vừa học khi ấy với mình dễ dàng hơn.

Không riêng gì Anh-Mỹ, phương pháp học này đã giúp mình “thẩm thấu” nhanh các nền văn hóa khác. Đặc biệt là các nền văn hóa mình quan tâm và muốn khám phá. Gần đây nhất là Trung Đông.

Sau khi đọc xong hai tác phẩm “Con đường Hồi giáo” và “Tôi là một con lừa” của Nguyễn Phương Mai. Niềm đam mê khám phá về Hồi giáo trong mình trỗi dậy mạnh mẽ. Mình đã tìm đọc rất rất nhiều tác phẩm khác của vùng này để có thể hiểu hơn về đạo Hồi, đạo Do Thái. Để làm điều đó mình đã:

  • List ra danh sách các tác phẩm văn học về vùng này để đọc, như: Ngàn mặt trời rực rỡ, Người đưa diều, Nghìn lẻ một đêm… Mình recommend cuốn Nghìn lẻ một đêm, học văn hóa qua các tác phẩm dân gian với mình là cách hiệu nghiệm nhất.
  • List ra các phim theo từng mốc giai đoạn lịch sử để xem, gồm: Hoàng Tử Ai Cập, Aladin và cây đèn thần, Những cuộc phiêu lưu của thủy thủ Sinbad, Alibaba và bốn mươi tên cướp, Sparta 300,… Đặc biệt trên TED-Ed có rất rất nhiều video clip về các nền văn hóa cũng như lịch sử, các bạn có thể xem và học qua các video này. Series Myths around the worldHistory on Trial là 2 series yêu thích của mình trên TED-Ed.
  • List ra các MV ca nhạc/TV Show: When you believe, Speechless, A Whole New World, Princess Ali hoặc các playlist về Dessert, Arab, Middle East… Có thời mình luôn mở các playlist này khi đang làm việc, nó có gì đó rất thư giãn và cho mình cảm giác như đã ở Trung Đông luôn rồi vậy.

Bên cạnh Trung Đông, mình còn khá thích tìm hiểu về các nền văn minh cổ đại và các nền văn hóa lớn như Hy Lạp, Bắc Âu, Roman, Lưỡng Hà, Địa Trung Hải và đặc biệt là Châu Á, Việt Nam. Mình nghĩ đây là lý do mình thích xem phim, nó khởi nguồn từ việc mình thích tìm hiểu về văn hóa và lịch sử qua phim ảnh. Đồng thời, phim ảnh cũng lấy cảm hứng rất nhiều từ các thần thoại, câu chuyện dân gian của thời xưa. Các phim hoạt hình Disney (và Marvel) là một minh chứng rõ ràng cho điều này.

Cách học hiệu quả nhất vẫn là cách học phù hợp với bạn. Trên đây là cách mình thấy hữu dụng với mình. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn trong việc học lịch sử và văn hóa hoặc tìm hiểu về Anh-Mỹ nhé!

0

3 responses to “Học văn hóa & lịch sử qua phim ảnh và âm nhạc”

  1. Ngoc Anh Avatar
    Ngoc Anh

    Bạn cho mình xin vài đầu sách giáo khoa môn văn hóa mỹ được không bạn?

    1. trulytrinh Avatar
      trulytrinh

      Bạn check mail nhé

  2. […] Thay đổi trong phong cách sống và giá trị gia đình: Nhu cầu về cuộc sống thoải mái và tiện nghi gia đình đã tăng cao. Việc sở hữu những sản phẩm mới và hiện đại không chỉ là sự thoải mái cá nhân mà còn trở thành một cách để thể hiện thành công và phong cách sống của gia đình. Lúc này, gia đình cũng trở thành một yếu tố trong việc việc thể hiện địa vị xã hội, danh tiếng và thành công. Sự so sánh giữa những gia đình với nhau là hệ quả tất yếu. Bạn có thể xem phim Far From Heaven để hiểu rõ hơn bối cảnh Mỹ những năm 1950s. Mình từng list các phim về Lịch Sử Mỹ ở bài viết “Học văn hóa & lịch sử qua phim ảnh và âm nhạc”. […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *