Lạm phát lối sống: Khi thu nhập tăng bao nhiêu cũng không đủ tiêu

, ,

Bạn đã từng rơi vào các trạng thái:
– Làm nhiều nhưng chẳng còn bao nhiêu?
– Lương xx triệu hay xxx triệu vẫn luôn không đủ tiêu?
– Thu nhập tăng cao nhưng mãi vẫn túng thiếu?

Vậy tin xấu là rất có thể bạn đã rơi vào cái bẫy của “lạm phát lối sống”, nhưng tin tốt là bạn không một mình và ai cũng có khả năng thoát khỏi nó!

Mình đã trải qua một thời gian ngắn bị ảnh hưởng bởi lạm phát lối sống, nhưng nhờ thích tìm hiểu về tài chính, mình may mắn được học về lifestyle inflation và cách phòng tránh nó sớm. Bản thân mình từng vay và trả nợ thành công (bạn có thể xem lại các blog cũ về debt-freetips quản lý tài chính của mình), và mình muốn chia sẻ góc nhìn của bản thân cũng như những mình đã học được từ trải nghiệm này.

Lưu ý những chia sẻ của mình cũng chỉ là một góc nhìn cá nhân, không mang tính đúng sai. Và nếu bạn đang tìm một lời khuyên về việc phòng tránh lạm phát lối sống, hãy nhớ rằng không có một lời khuyên nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Bởi chúng ta đều có hoàn cảnh, xuất phát điểm và môi trường sống khác nhau, bạn có thể tham khảo thông tin và chọn lọc những điều tốt cho bản thân bạn nhé! Bắt đầu nha!

I. Lạm phát lối sống là gì?

Đầu tiên, mình muốn nói về lạm phát (Inflation).

Lạm phát là tình trạng giá cả của hàng hóa và dịch vụ tăng lên một cách nhanh chóng và liên tục trong thời gian dài, dẫn đến sự suy giảm giá trị của tiền tệ và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ví dụ, nếu một chiếc bánh mì hôm nay có giá 10K, nhưng trong thời gian lạm phát, giá của nó có thể tăng lên 15K hoặc thậm chí là 20K, dẫn đến việc người dân phải trả nhiều tiền hơn để mua được các nhu yếu phẩm. Điều này có thể gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp.

Tỷ lệ lạm phát trung bình của Việt Nam là từ 4-6%. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ ở mức 3,21%. Tức là, nếu năm ngoái mua một ổ bánh mì 10K thì năm nay có thể nó sẽ là 13-14K. Để hiểu hơn về lạm phát, bạn có thể xem video này của anh Duy Thanh Nguyễn hoặc video này của anh Nguyễn Ngọc Hiếu, đây là hai YouTuber về tài chính và phát triển bản thân tại Việt Nam mà mình theo dõi.

Trở lại với lạm phát lối sống, thay vì giá hàng hoá và dịch vụ tăng trong lạm phát thì với Lifestyle Inflation, bạn hãy thay nó bằng khoản thu nhập và khoản tiền bạn chi tiêu cho lối sống của mình.

Hiểu nôm na, lạm phát lối sống (Lifestyle Inflation) là chi tiêu mạnh tay hơn khi kiếm được nhiều tiền hơn. Đây là một hiện tượng khá phổ biến, khi người ta có xu hướng dùng hết tất cả thu nhập tăng lên để nâng cao chất lượng cuộc sống hoặc mua những vật dụng xa xỉ hơn. Khi đó, mặc dù thu nhập tăng lên nhưng nhiều người vẫn cảm thấy khó khăn để tiết kiệm hay đầu tư.

Ví dụ:

  • A làm việc trong một công ty và nhận mức lương tăng cao sau một thời gian. Thay vì tiết kiệm hoặc đầu tư vào những mục tiêu tài chính, A bắt đầu chi tiêu một cách không kiểm soát. A mua những mặt hàng xa xỉ như ô tô mới, đi du lịch sang trọng và mua sắm hàng hiệu, dẫn đến việc chi tiêu vượt quá thu nhập và dễ dẫn đến nợ nần.
  • B đã có một công việc mới và nhận được tăng lương đáng kể. Thay vì tiết kiệm một phần thu nhập thêm, B quyết định nâng cấp căn hộ, mua những thiết bị điện tử mới nhất và tham gia vào các hoạt động giải trí đắt đỏ. Mặc dù thu nhập tăng, nhưng chi tiêu không kiểm soát dẫn đến việc B không có tiền dư để đầu tư hoặc tiết kiệm cho tương lai.
  • C là một freelancer và thu nhập của C biến động từ tháng này sang tháng khác. Khi thu nhập tăng lên, người C tự thưởng cho bản thân bằng cách mua sắm đồ hiệu, ăn uống sang trọng và tham gia các hoạt động giải trí đắt đỏ. C không có kế hoạch tài chính cụ thể và không tiết kiệm đủ để đối phó với những tháng thu nhập giảm đi. Khi thu nhập giảm, C phải dùng tiền tiết kiệm hoặc mắc nợ để duy trì lối sống hiện tại.

Thật ra, việc thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành mục tiêu hay đạt được thành tích gì đó không có gì sai trái, ngược lại còn rất đáng khích lệ. Nhưng nếu bạn dùng phần lớn số tiền vừa được tăng để nâng cao lối sống, khả năng bạn không thể tiết kiệm được nhiều. Và vì tiêu nhiều hơn, bạn cần phải làm việc chăm chỉ hơn để kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Lúc này, bạn vô thức rơi vào một vòng lặp nâng cao mức sống. Đó chính là cái bẫy lạm phát lối sống.

Vậy có phải là bạn KHÔNG BAO GIỜ nên chi tiêu nhiều hơn khi đã tăng cao thu nhập? Không hẳn, nhưng trước khi đi vào nói về ý này, mình chia sẻ một xíu về nguyên nhân gốc rễ và các biểu hiện của lạm phát lối sống nhé!

II. Nguyên nhân và các biểu hiện của lạm phát lối sống

Nguyên nhân

Nguyên tắc của mình khi thay đổi một thói quen xấu nào đó là luôn bắt đầu với việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ sâu xa của nó. Chính vì thế, để thoát khỏi lạm phát lối sống, mình nghĩ cần phải hiểu được đâu là lý do chúng ta rơi vào cái bẫy này.

  • Đầu tiên và hiển nhiên nhất, đó là vì tăng thu nhập. Khi thu nhập tăng lên, chúng ta có xu hướng tiêu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của mình. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tăng thu nhập thấp hơn tỷ lệ tăng chi tiêu, đây có thể là một nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát phong cách sống.
  • Thứ hai, áp lực đồng trang lứa và so sánh xã hội. Mình nghĩ đây thực sự là nguyên nhân gốc rễ rất khó “bài trừ” vì nó bắt nguồn từ thói quen suy nghĩ của chúng ta. Nếu bạn luôn vô thức so sánh mình với người khác và luôn cảm thấy bản thân không đủ, bạn sẽ luôn cần lấp đầy khoảng trống đó để mình thấy đủ bằng cách sở hữu những thứ mới nhất, tốt nhất để bằng vai phải lứa với “người này, người kia” mà không cần suy xét đó thực sự có phải là thứ mình cần không.
  • Cuối cùng cũng nhưng không kém phần quan trọng là việc thiếu giáo dục tài chính. Lúc đi học, Trinh không được dạy về quản lý tài chính và cũng không được gia đình giáo dục về tài chính từ nhỏ, do đó Trinh không biết cách quản lý tiền bạc và sử dụng chúng một cách hiệu quả. Sau này khi tự tìm tòi, Trinh mới thấy việc giáo dục về cách tài chính là khá quan trọng. Nếu không được giáo dục về cách quản lý chi tiêu, chúng ta có thể dẫn đến tình trạng chi tiêu vô tội vạ và lạm phát lối sống.

Các dấu hiệu của lạm phát lối sống

Bên cạnh tìm hiểu nguyên nhân, việc điểm mặt gọi tên được các biểu hiện của lạm phát lối sống cũng khá quan trọng. Nếu bạn đang có một trong các biểu hiện dưới đây, khả năng cao bạn đang rơi vào cạm bẫy lạm phát lối sống.

  • Tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được: Biểu hiện đầu tiên là bạn tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được để đáp ứng nhu cầu của mình, thói quen này có thể dẫn đến việc chi tiêu quá mức, gây ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.
  • Luôn muốn sở hữu những thứ mới nhất và tốt nhất: Đây là biểu hiện khi luôn cảm thấy mình phải sở hữu những thứ mới nhất trên thị trường, mà không suy nghĩ đến tác động của nó đến tài chính của bạn.
    Ví dụ, iPhone 15 mới ra thì bạn phải mua ngay và không dùng iPhone 14. Trường hợp bạn có khả năng tài chính tốt thì hiển nhiên không có vấn đề gì. Tuy nhiên nếu bạn không có tài chính vững nhưng vẫn không muốn nằm ngoài xu hướng thì bạn đang nằm trong vòng lặp lạm phát lối sống.
  • Nợ ngày càng nhiều nhưng tiết kiệm ngày càng ít: Biểu hiện dễ thấy là số nợ của bạn ngày càng tăng lên và số tiền tiết kiệm của bạn ngày càng giảm xuống, cho đến mức báo động là số tiền nợ còn cao hơn cả số tiền tiết kiệm thì bạn đã nằm chắc trong vòng xoáy lạm phát lối sống rồi.

III. Làm thế nào để tránh lạm phát lối sống

Đây là những bài học quý giá mà Trinh đã rút ra từ trải nghiệm cá nhân. Những thói quen này đã giúp Trinh vượt qua nợ nần và đạt được sự ổn định tài chính. Khi tài chính ổn định, Trinh cảm thấy tự tin hơn, thoải mái hơn và có khả năng giúp đỡ người khác. Trinh luôn muốn giúp đỡ người khác, nhưng Trinh cũng nhận ra rằng nếu không giúp được bản thân và gia đình trước, thì khó có thể giúp đỡ người khác một cách tự do.

  1. Đảm bảo tỷ lệ tăng mức chi tiêu của bạn thấp hơn tỷ lệ tăng thu nhập. Đây là bí quyết hàng đầu của Trinh để tránh lạm phát lối sống. Trinh sẽ đưa ra một ví dụ để các bạn dễ hình dung nhé.Ví dụ, nếu bạn được tăng lương 30% và quyết định chuyển đến một ngôi nhà mới với mức phí thuê cao hơn 50%, khả năng cao bạn sẽ rơi vào lạm phát lối sống. Để tránh điều này, hãy đảm bảo tỷ lệ tăng thu nhập cao hơn tỷ lệ tăng chi tiêu.
    Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải hạn chế mình quá khắt khe. Với các chi phí nhỏ như cà phê hoặc mỹ phẩm, nếu việc tăng giá không ảnh hưởng đến tỷ lệ chi tiêu hàng tháng của bạn, bạn không cần phải lo lắng. Giả sử bạn trích 30% thu nhập cho các chi phí này và việc tăng chi tiêu cho nó không ảnh hưởng trong số 30% thì hãy cứ tận hưởng những thay đổi nhỏ đó. Thời gian là vàng là bạc, nên đừng lãng phí nó vào việc suy nghĩ quá nhiều về những khoản chi tiêu không đáng kể. Tập trung vào những quyết định quan trọng hơn.
    Lưu ý rằng tỷ lệ 50-30-20 có thể thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân. Bạn có thể lựa chọn tỷ lệ phù hợp với tình hình tài chính của mình, ví dụ như 70-20-10.
  2. Đặt mục tiêu tài chính và luôn có quỹ dự phòng khẩn cấp: Mỗi năm Trinh đều đặt mục tiêu tài chính cho bản thân mình. Dù nó có nhỏ, nghe có vẻ nực cười đến đâu, Trinh cũng phải đặt ra và hoàn thành nó, để mình hình thành thói quen lập ngân sách và chi tiêu hợp lý trước. Nên có cả mục tiêu dài hạn và ngắn hạn. Bạn có thể chia nhỏ thành mục tiêu 5 năm, 10 năm, 1 quý hoặc hàng tháng. Bạn cũng nên trích ra một khoản tiền nhỏ để làm quỹ dự phòng khẩn cấp, phòng cho những trường hợp ngoài ý muốn xảy ra như bệnh tật, tai nạn, mất việc đột ngột… Trinh từng chứng kiến gia đình trải qua nhiều biến cố và những lúc như vậy nếu có một quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn sẽ không phải lo lắng và an tâm đối mặt với nó hơn.
  3. Hãy cập nhật các luật về lao động, thuế và bảo hiểm: Cái này nghe có vẻ rất không liên quan đến việc phòng tránh lạm phát lối sống nhưng thực ra lại vô cùng liên quan. Trinh đi làm và gặp nhiều trường hợp các bạn không hiểu rõ về các khái niệm như lương gross, lương net, giảm trừ người phụ thuộc, thuế TNCN, tiền lương đóng bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…
    Đây đều là những khoản chi phí Trinh nghĩ ai cũng nên dành thời gian tìm hiểu và quan tâm, vì đó là quyền lợi của chính các bạn và cũng là một khoản thu nhập lẫn khoản chi ảnh hưởng đến tài chính bản thân. Vì thế hãy luôn thận trọng để tránh mất đi quyền lợi của chính mình nha!
  4. Budget hàng tháng cho đến khi bạn không cần nó nữa: Bạn có từng tự hỏi “Tháng này mình có tiêu gì nhiều đâu mà tiền đi đâu mất hết?” không? Nếu có, bạn cần phải tạo ra một ngân sách chi tiêu hàng tháng và tuân thủ nó một cách nghiêm ngặt. Hãy dành ra một khoảng thời gian để đánh giá các khoản chi tiêu và điều chỉnh ngân sách nếu cần thiết.
    Lúc trước khi chưa rõ “pattern” chi tiêu của bản thân, việc ghi chép lại chi tiêu của bản thân đã giúp Trinh trả lời được câu hỏi “tiền tháng này của mình đi đâu mà mất hết” và cũng từ đó dự đoán dễ dàng hơn cho các tháng tiếp theo.
    Trinh coi tài chính của bản thân như tài chính của một công ty, mình phải biết P&L của mỗi tháng thì mới mạnh tay xuống tiền cho hoạt động tiếp theo được. Về sau, khi đã rõ chi tiêu của bản thân và nhạy hơn trong việc forecast, Trinh không ghi lại chi tiêu chi tiết mà chỉ dành ra khoản tiền lớn cho từng hạng mục của mình thôi.
  5. Đầu tư vào trải nghiệm, chứ không phải đồ đạc: Trinh đã nghe nhiều người nói về tài sản và tiêu sản nhưng ít thấy ai đề cập đến trải nghiệm và đồ đạc. Hãy đầu tư vào những trải nghiệm, những hoạt động thú vị và đáng nhớ, thay vì chỉ tập trung vào việc sở hữu những đồ đạc mới.
    Những kỷ niệm đó sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn và đồng thời tránh cho bạn khỏi việc lãng phí tiền bạc vào những thứ không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt trải nghiệm với tâm lý YOLO. Trinh sẽ nói kỹ hơn về phần này ở bài viết sau. Đại ý là bạn không nên dùng YOLO cho lối sống trải nghiệm nhưng thiếu trách nhiệm của mình, nên hãy thận trọng với việc đầu tư vào trải nghiệm nha.
  6. Thực hành biết ơn và hài lòng: May mắn của Trinh là được làm việc và vây quanh bởi những cộng đồng rất đề cao việc biết ơn. Trinh từng làm việc tại GEEK Up và vào mỗi thứ 6 hàng tuần, công ty có một hoạt động gọi là “Friday Meet Up”, nơi bạn có thể đứng lên và nói lời cám ơn đến bất kỳ ai.
    Hoạt động này đã giúp Trinh tạo dựng thói quen thực hành lòng biết ơn và hài lòng với những gì Trinh đang có thay vì luôn muốn sở hữu những thứ mới hơn và tốt hơn. Thực hành biết ơn cũng đã giúp Trinh tránh khỏi tâm trạng bất mãn và giảm stress hiệu quả.

IV. Kết

Hầu như ai cũng từng rơi vào lạm phát lối sống ít nhất một lần. Nhưng đừng lo lắng và bi quan. Bạn không cô đơn và hoàn toàn có thể thoát khỏi cái bẫy này. Với những chia sẻ và bí quyết Trinh đã học được trong hành trình xây dựng tài chính cá nhân, hy vọng bài viết này sẽ mang lại thông tin hữu ích giúp bạn tránh lạm phát lối sống và tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái như hiện nay.

Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:

🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946

🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh

🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê) 
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh

***Bài viết cũng được tác giả đăng tải trên cộng đồng Chúng tôi biết chúng tôi không biết gì.

22

2 responses to “Lạm phát lối sống: Khi thu nhập tăng bao nhiêu cũng không đủ tiêu”

  1. […] đây, Trinh có chia sẻ về chủ đề Lifestyle Inflation – Lạm phát lối sống và có đã từng đề cập đến hệ luỵ của trào lưu YOLO. Trong bài viết này, […]

  2. […] đáp ứng mong muốn xã hội, mình từng viết về chủ đề này trong bài viết Lạm phát lối sống. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, gây khó khăn […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *