“Phụ nữ là nguồn tài nguyên đang bị sử dụng thiếu hiệu quả nhất” là câu nói mà mình tâm đắc nhất của Hilary Clinton khi bà nói về Phụ Nữ. Và hẳn bộ đạo diễn Nigel Code cũng có cùng quan điểm này khi ông đã dàn dựng bộ phim Made in Dagenham và truyền đạt thông điệp này một cách thành công ngoài mong đợi.
“Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?” Sheryl Sandberg đã đặt câu hỏi như thế trong cuốn “Dấn thân” của bà. Và khi xem xong phim “Made in Dagenham” mình chợt nhớ đến cuốn sách này ngay lập tức. Phụ nữ chúng ta sẽ làm gì? nếu – nếu chúng ta KHÔNG-SỢ-HÃI?
Tất cả, tất cả mọi thứ!
Sheryl Sandberg, Chief Operating Officer and Member of the Board, FacebookDOV
Câu chuyện về phụ nữ và bình đẳng giới chưa bao giờ là vấn đề xưa cũ. Vì chỉ mới đây thôi một cô gái trẻ đã mạnh dạn đứng lên chất vấn ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump rằng: “Nếu ông lên làm tổng thống, liệu tôi có thể được trả lương ngang bằng với cánh đàn ông?”
Ngay thời đại mà chúng ta đang ẩn mình, vấn đề này hãy vẫn còn nhức nhối. Bộ phim Made in Dagenham ra đời vào 5 năm trước, tái hiện bối cảnh cuộc đình công của các nữ công nhân tập đoàn Ford tại nước anh năm 1968 – tận 47 năm ngoái đầu. Họ chẳng mong gì hơn ngoài việc được tôn trọng và trả lương ngang bằng cánh nam giới, một điều hết sức hiển nhiên và bình thường, nhưng lại bấp bênh và gian khổ chừng như vô-lý và không-thể-nào-thực-hiện-được.
Trong phim, có thể có rất nhiều vấn đề được khơi dậy, nhưng bản thân mình chỉ để ý đến một chi tiết nhỏ nhặt. Đó là cuộc cãi cọ giữa Rita O’Grady và chồng cô ấy trước sân khu chung cư nơi họ cư trú. Hẳn người xem có thể tua qua như một chi tiết không quan trọng, nhưng với mình đó là một chi tiết đáng chú ý cực kì.
Tại đây, anh chồng tỏ ra mệt mỏi cùng cực khi bao nhiêu ngày qua phải thay vợ mình đảm đương rất nhiều việc nội trợ trong nhà. Bằng giọng nói nặng nhọc, anh giãy bày một cách to tiếng rằng Rita phải cảm thấy may mắn khi anh không hề uống bia và tán tỉnh các cô gái ở quầy bar thành phố, anh cũng chưa hề to tiếng với con trẻ hay quát mắng, đánh đập vợ con mình bao giờ. Và anh cũng hiếm khi nào ăn chơi tiêu tiền phung phí. Anh đã hết mực yêu thương vợ con mình. Còn điều gì tuyệt vời ở người chồng hơn thế?
Vâng, nếu có một anh chồng như vậy? Bạn cần điều gì hơn nữa?
Thế nhưng. Lúc này, mắt Rita lại ngân ngấn hai hàng nước mắt, nhưng ánh nhìn chứa đầy phẫn nộ. Cô giận dữ quát lại đáp trả: “Jesus! Anh cảm thấy tự hào ư? Anh bảo em phải cảm thấy may mắn ư? Chúa ơi, vì chúa, đó là điều anh cần phải làm và đáng ra nên làm. Tại sao em cần phải cảm thấy may mắn cơ chứ?”
Tới đây, mình như sực ra điều gì. Phụ nữ chúng ta, khi đã nối gót theo chồng, luôn phải là một người tháo vát và đảm đương thì mới xứng đáng. Còn nếu không, hẳn chúng ta sẽ chẳng được gì hơn ngoài những lời chỉ trích. Và những kẻ ngoài kia, những người chỉ biết thông cảm cho người đàn ông được cho là xấu số khi vớ phải cô vợ như thế có hơn gì những kẻ tội đồ?
Tại sao phụ nữ phải như thế thì mới là đúng, là xứng đáng? Trong khi đàn ông làm đúng việc họ cần và phải làm như giúp vợ, yêu thương vợ con và chăm lo cho mái ấm gia đình thì phụ nữ lại cần phải cảm thấy may mắn và biết ơn?
Lịch sử ngày xưa đã không ưu ái gì phụ nữ. Bạn có bao giờ thắc mắc những từ “man” luôn được dịch rộng ra là con người không? “Man create history”, C.Mác đã khẳng định như vậy, “man” ở đây chỉ con người, nhưng vài người lại cho rằng đó là đàn ông. Vô lý vô chừng tưởng!
Nữ chính Sally Hawkins trong vai Rita O’Grady
Ngoài việc yêu các góc quay với màu phim cũ tái hiện nhịp sống nước Anh đang chuyển mình giữa thế kỉ 20, các ca khúc và những vấn đề được khơi dậy trong phim ra thì bộ phim Made in Dagenham không có gì quá ấn tượng. Diễn viên không thực sự thu hút, chuyển biến không quá cao trào, căng thẳng. Nhưng chính vì vậy mà bộ phim, hẳn riêng với mình, tạo được phần nào điểm nhấn. Mình thật chả nhớ có cô diễn viên nào xinh đẹp trong phim hay anh chàng điển trai nào xuất hiện. Thứ cuối cùng đọng lại chỉ là những vấn đề nhối nhức và khung cảnh nước Anh xinh đẹp, xưa cũ.
Suy cho cùng, mình, phụ nữ thì chưa tới tuổi, cô gái thì đã qua thời, chỉ biết bản thân đang vươn mình giữa hai thời kì chuyển đổi. Mình chưa bao giờ muốn là một người phụ nữ ngồi đấy, chấp nhận mọi việc đến với mình như một sự sắp đặt. Vì vậy, mình mong, không chỉ có mình, mà những cô gái, những phụ nữ ngoài kia hãy vùng mình trỗi dậy. Đừng làm gì quá lao lớn.
Chỉ cẩn ngồi xuống, thả mình tập trung, suy nghĩ thật kĩ, rồi hẵng trả lời câu hỏi sau:
“BẠN SẼ LÀM GÌ NẾU BẠN KHÔNG SỢ HÃI?”
0
Leave a Reply