Bất kể bạn có tham gia bao nhiêu khóa học, đọc bao nhiêu cuốn sách và xem bao nhiêu video về tài chính của người khác, bạn vẫn sẽ gặp khó khăn khi cố áp dụng công thức tài chính của họ vào tình hình cá nhân của bạn, vì tài chính cá nhân mang tính cá nhân (personal finance is personal).
Bản chất này cũng không chỉ áp dụng cho tài chính mà còn cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống như con đường thành công, hành trình sự nghiệp hay trải nghiệm yêu đương. Dĩ nhiên mình đưa ra quan điểm trên không nhằm cổ xúy các bạn từ bỏ việc tham gia các khoá học hay bài trừ việc đọc sách và xem video hữu ích. Nó nhằm đưa ra góc nhìn của mình rằng:
- Đừng kỳ vọng mọi thứ được áp dụng như chia sẻ của người khác: Một công thức tài chính thành công của người khác không nhất thiết sẽ áp dụng thành công với bạn, vì mỗi người có môi trường và kinh nghiệm riêng biệt, trừ khi bạn được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên với những trải nghiệm y hệt nhau, mà điều này thì rất ít khi xảy ra. Vì thế, hãy xác định kỳ vọng của bạn một cách thực tế.
- Biết chắt lọc thông tin để tạo nên công thức của riêng mình: Không cần phải “sao y bản chính,” nhưng bạn cũng không nên “khép mình” trước mọi kiến thức hữu ích. Hãy biết chắt lọc những gì có thể áp dụng trong tình huống của riêng bạn.
- “Nhập gia tuỳ tục”: Đừng quá mải mê với các lý thuyết, bài học của các tác giả “NY Times best seller” hay các YouTubers, Podcaster nước ngoài mà quên mất rằng những hiểu biết về tài chính từ nước khác có thể không hoàn toàn áp dụng tại nơi chúng ta sống. Ví dụ, khi mình đọc cuốn “I Will Teach You To Be Rich” của Ramit, tác giả cho rằng việc mua nhà là rất không cần thiết vì ở thị trường Mỹ bất động sản rất đắt đỏ nhưng lại không mang lợi nhuận dài hạn (tầm 4%/20 năm). Ở Việt Nam, bất động sản vẫn còn nhiều địa dư để sinh lời, chỉ đứng sau cổ phiếu và còn vượt trên cả trái phiếu, lợi nhuận tầm 11.9%/20 năm. Một ví dụ khác mà mình cũng tự đúc rút được khi đọc hiểu về tài chính thị trường Mỹ đó chính là chế độ lương hưu. Chế độ lương hưu tại Mỹ có Roth IRA, SEP, 401K hoặc 403B. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta không hề có các chế độ này và chỉ có duy nhất chế độ Bảo hiểm xã hội.
Không có công thức chung nhưng có “nguyên tắc” chung
Từ ba điểm mình đã đề cập ở trên, mình muốn nói về các nguyên tắc.
Bạn nào tìm hiểu về đầu tư, tài chính và tự do tài chính, hẳn đã nghe qua các công thức như: 50 – 30 – 20 Budgeting Rule, 20 – 4 – 10 Car Buying Rule, 20% Down Payment For Home Buying Rule, 10% Rule of Retirement” hay 1K Emergency Fund…
Tuy có đầy rẫy các công thức là vậy, nhưng các công thức không đảm bảo “one size fits all”. Đơn cử với công thức của Quỹ dự phòng khẩn cấp 1K USD của bác Dave Ramsey. Nhiều người không thể tiết kiệm số tiền này vì họ đều phải bươn chải mỗi ngày và không còn số dư để xây quỹ dự phòng khẩn cấp. Hay với công thức 50-30-20, không phải ai cũng có thể dành 20% thu nhập để tiết kiệm. Trong các trường hợp như vậy, cách tốt nhất là xoá nợ (nếu bạn có nợ) và sau đó là tìm cách tăng thu nhập cho đến khi bạn có thể bắt đầu tiết kiệm.
Chính vì thế chẳng có một công thức chung dành cho tất cả mọi người. Nhưng dĩ nhiên sẽ có một vài nguyên tắc chung cho tài chính cá nhân.
Trong một bài blog trước đây nói về chủ đề “Làm sao để trở thành một người tốt hơn”. Mình cũng đã chia sẻ rằng chúng ta nên tự định nghĩa sự “tốt hơn” và “giàu có hơn” cho chính mình vì đôi khi định nghĩa giàu có hơn, tốt hơn của bạn với người khác là không giống nhau.
Mình đã gặp lại quan điểm này một lần nữa khi đọc sách của Ramit – rằng định nghĩa về “Rich Life” của bạn phải do bạn tự xác định và phù hợp nhất với bạn. Với bạn giàu có là được đi du lịch khắp nơi, nhưng với người khác giàu có chính là mua được nhà, có được xe. Mỗi người một sẽ có một tiêu chuẩn “Rich Life” riêng và vì thế họ cũng có những công thức riêng phù hợp với họ.
Quay trở lại với các nguyên tắc, trong cuộc phỏng vấn “What Financial Experts Won’t Tell You About Money”, Morgan Housel – tác giả sách “The Psychology of Money” đã đưa ra một vài đề xuất cho các nguyên tắc tự do tài chính chung, đó là:
- Live below your mean: Đừng tiêu nhiều hơn thu nhập bạn có
- Save for the long term: Tiết kiệm dài hạn
- Free the debt then start saving and then invest: Xoá nợ → Tích luỹ → Đầu tư
Thoạt nghe, các nguyên tắc này khá đơn giản và thậm chí không hề mới mẻ. Nhưng để thực hiện được các điều trên, đòi hỏi bạn phải rất kỷ luật và nỗ lực mỗi ngày. Cùng với các nguyên tắc trên, bạn cũng cần tự xác định đâu là “rich life” đối với bạn, từ đó bạn có thể kết hợp các nguyên tắc chung cùng với công thức riêng dành cho chính bạn.
Đừng quá mù quáng trước những công thức mạnh miệng khẳng định nó có thể áp dụng cho tất cả mọi người, người hiểu đâu là điều tốt nhất cho bạn và phù hợp với bạn không ai khác chính là bạn, và cũng chỉ có bạn mới có sức mạnh lẫn quyền hạn để thực hiện điều đó.
Hy vọng bạn sớm tìm được công thức tài chính riêng cho mình nhé!
Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:
🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946
🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh
🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê)
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh
***Bạn có thể xem bài viết này dưới dạng hình hoạ TẠI ĐÂY.
8
Leave a Reply