Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là năm 2023 sẽ khép lại. Mình thường dành khoảng thời gian này để tổng kết lại một năm qua. Trong đó, có việc review lại các đầu sách mình đã đọc.
Năm 2022, mình chỉ đọc vỏn vẹn 4 cuốn sách. Lý do là vì mình chuyển việc, dành nhiều thời gian cho các hoạt đồng cộng đồng (2022 là năm mình đảm nhận vị trí Vice President of Communication cho cộng đồng Phụ Nữ Khởi Nghiệp WECV). Ngoài ra, 4 cuốn sách này cũng khá hard-core, nên mình dành nhiều thời gian fact-check hơn so với khi đọc các sách khác.
Năm nay, mình đã đọc 10 cuốn sách. Con số này cũng không hẳn là nhiều, nhưng so với năm 2022 của mình, thì đã nhiều hơn kha khá rồi. Mỗi năm, mình đều đặt mục tiêu đọc đa dạng các thể loại sách như chuyên môn công việc, tài chính, văn học, lịch sử và phát triển bản thân. Vì mình nghĩ nếu chỉ đọc sách chuyên ngành và self-help thì khá khô khan. Trong khi mình vẫn muốn nâng cao khả năng ngôn ngữ lẫn rèn trí tưởng tượng.
Và thật may, năm 2023 mình đã làm được điều này, trong năm qua mình đã đọc nhiều thể loại. Mỗi cuốn sách mang đến cho mình những đúc rút khác nhau và ảnh hưởng đến các nhìn nhận của mình về cuộc sống. Dưới đây mình sẽ review 10 cuốn sách mình đã đọc nhé!
1. Beloved Brands
Mình bắt đầu đọc cuốn này từ năm 2022 nhưng mãi đến năm 2023 mới hoàn thành. Đây cũng là một trong những cuốn sách đắt nhất mình từng mua (hơn 2 triệu đồng), nhưng quả thực nó “đắt xắt ra miếng”.
Mình được khuyên đọc cuốn này từ rất lâu nhưng chưa bao giờ cảm thấy muốn đọc. Cho đến khi chuyển sang công việc mới, ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, mình mới bắt đầu đọc. Sách này chưa có bản tiếng Việt và bán ở Việt Nam, nên mình mua qua Amazon và đợi khá lâu.
Khi đọc những chương đầu, mình cảm thấy hối hận khi không đọc nó sớm hơn. Beloved Brands với mình như “kinh thánh” nhập môn Brand. Nó nhàm chán như sách giáo khoa nhưng lại chứa đựng những thông tin cơ bản mà marketer cần phải học. Sách có rất nhiều frameworks và phân tích casestudy khá insightful. Bạn nào có đam mê với xây dựng và phát triển thương hiệu mảng B2C thì Trinh nghĩ rất nên đọc. Tác giả cũng có sách dành cho B2B marketer nhưng vì kinh nghiệm của ông hầu như ở mảng B2C nên Trinh nghĩ đọc cuốn đầu sẽ ổn hơn.
Với một người không được học Marketing – Brand bài bản như mình, việc đọc Beloved Brands đã giúp ích rất nhiều trong hành trình phát triển sự nghiệp. Sách cũng mang đến lộ trình rõ ràng cho các bạn mong muốn trở thành CMO. Mình tin dù công nghệ đã thay đổi cuộc chơi marketing, những kiến thức căn bản nhất vẫn sẽ luôn cần thiết. Quan trọng là chúng ta biết cách ứng dụng công nghệ để tối ưu từ những nền tảng đã được xây dựng từ trước.
Goodreads Review: Link
2. Harvard Business Review on Managing Yourself
Tương tự như Beloved Brands, cuốn sách này cũng khiến mình khá bất ngờ về độ thú vị của nó. Khi bắt đầu đọc cuốn này, mình đã nghĩ “Chà, lại là một cuốn sách giáo khoa nhàm chán đây!”. Nhưng trái với mong đợi của mình, cuốn sách mang đến những nội dung khá hữu ích về quản lý bản thân và tìm kiếm giá trị cốt lõi. Một vài framework Trinh đã được các anh chị mentor và coach hướng dẫn thực hành. Bạn nào đang cảm thấy mất kết nối với bản thân thì Trinh tin những câu hỏi lẫn phương pháp trong sách này sẽ hữu ích cho bạn.
Cuốn sách cũng cần thiết cho các bạn ở vị trí quản lý (manager, leader) với nhiều bí quyết về quản lý thời gian, nhân sự; đặc biệt là những quản lý luôn ôm đồm nhiều việc và không có thời gian cho bản thân lẫn gia đình. Quản lý bản thân trong sách không đề cập đến riêng ngữ cảnh cá nhân, nó bao hàm cá nhân bạn ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống.
Lúc mình đọc cuốn này cũng là lúc mình đang tập quản lý một team lớn (16 người), nên mình thấy có nhiều insight khá đúng với bản thân và thậm chí có thể áp dụng được vào thực tế. Mình mua cuốn này trong combo HBR On Point – Ấn Phẩm Dành Cho Doanh Nhân vào cuối năm 2021. Và cuốn này là cuốn đầu tiên mình đọc trong combo trên.
Goodreads Review: Link
3. Building A Brand Story
Sau khi đọc xong cuốn Beloved Brands, mình đã tìm kiếm rất nhiều đầu sách về Marketing để đọc. Trong đó có Building A Brand Story của tác giả Donald Miller.
Tình cờ mô hình đề cập trong cuốn này đã được anh Founder công ty cũ mình áp dụng trong chính tổ chức, nên khi đọc mình thấy khá gần gũi và dễ đối chiếu với trải nghiệm đã có.
Tựu chung, tác giả cho rằng bất cứ sản phẩm hay thương hiệu nào cũng có thể thu hút khách hàng bằng cách kể một câu chuyện đúng một cách hấp dẫn. Donald Miller cũng đề cập tới SB7 Framework – một công thức với 7 yếu tố để tạo nên một câu chuyện lôi cuốn cho doanh nghiệp. Trong đó, thay vì đặt sản phẩm, thương hiệu là người hùng, hãy để khách hàng trở thành người hùng trong câu chuyện bạn kể. Bạn chỉ nên là người hướng dẫn giúp họ vượt qua các rào cản trong cuộc sống và đạt được mục tiêu của họ. Vì khách hàng không quan tâm đến câu chuyện của bạn, họ quan tâm đến câu chuyện của họ và bạn giúp gì cho họ trong câu chuyện đó.
Nhìn chung, so với Beloved Brands thì cuốn này không khái quát các kiến thức về thương hiệu mà ưu tiên tập trung vào kỹ năng kể chuyện và tạo thông điệp ấn tượng. Building A Brand Story cũng nhắc Trinh nhớ rằng, thông điệp của một doanh nghiệp không cần quá wow nhưng cần rõ ràng (clarity), đơn giản (simple) và thấu cảm (insightful). Cuốn sách cũng giúp Trinh hiểu hơn về phát triển tâm lý nhân vật với những mâu thuẫn nội tại, ngoại tại lẫn mâu thuẫn triết học (Internal, External & Philosophical Conflict).
Hiển nhiên tác phẩm chủ yếu hướng đến các bạn marketer, copywriter, biên kịch, business – brand leaders… Tuy nhiên, Trinh nghĩ bất cứ ai trong chúng ta, ở một thời điểm nào đó, cũng đều là những người kể chuyện cho chính bản thân mình, nên nếu bạn hứng thú với storytelling thì bạn nên đọc cuốn này nha.
Goodreads Review: Link
4. Cây Cam Ngọt Của Tôi
Cây cam thì ngọt nhưng câu chuyện về nó thì thật chua chát và mặn đắng. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên Trinh đã đọc trong năm nay và cũng là cuốn sách khiến Trinh thật sự thổn thức và bao lần… ngấn lệ.
Câu chuyện của cậu bé Zeze trong truyện như tiếng lòng trẻ thơ của biết bao em bé phải lớn lên trong những gia đình không có điều kiện và đông anh chị em. Nơi ,mỗi ngày, mục tiêu của cả gia đình là tìm cách mưu sinh chứ chẳng phải dành thời gian yêu thương nhau.
Lúc đọc truyện mình bỗng nhớ đến một đoạn văn trong tác phẩm Lão Hạc của tác giả Nam Cao: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”.
Thật vậy, tất cả những gì Zeze cần là sự quan tâm, yêu thương từ gia đình. Nhưng tất cả những gì em nhận được chính là bản tính tốt của những thành viên trong gia đình đã bị cuộc sống mưu sinh che lấp mất. Thay vào đó là những uất hận, đòn roi và lời lẽ đau lòng. Đoạn kết thật sự nặng nề với Zeze, nhưng ở một thế giới mà em tưởng chừng cảm xúc của mình đã khô cạn. Em đã biết buồn và cũng đã bắt đầu trưởng thành qua nỗi buồn đó.
Câu chuyện đã chạm đến trái tim mình và cũng gợi lại biết bao ký ức tủi hờn thời thơ ấu. Zeze là đứa trẻ hiểu chuyện quá sớm, có chiều sâu về mặt cảm xúc đi kèm sự ngây thơ trong trẻo nên có những suy tư rất hồn nhiên nhưng cũng rất đau lòng. Hình ảnh người cha, người mẹ, người chị, người anh và những mâu thuẫn gia đình thật sự rất gần gũi với mình. Cám ơn tác giả José Mauro de Vasconcelo đã cho mình sống lại những ký ức tuổi thơ.
Goodreads Review: Link
5. I Will Teach You To Be Rich
Trước đây khi đang còn trả nợ, Trinh thường xem nội dung của bác Dave Ramsey vì nó hữu ích cho hoàn cảnh của mình khi đó. Sau khi đã trả hết nợ, Trinh muốn học thêm về đầu tư. Do vậy, nội dung của bác Ramsey cũng trở nên ít liên quan hơn. Trinh bắt đầu chuyển sang đọc các chia sẻ của chuyên gia tài chính Ramit Sethi và trong đó có sách I Will Teach You To Be Rich.
Đây là một cuốn sách rất cô đọng và thiết thực cho bạn nào đang loay hoay tìm kiếm một kế hoạch tự do tài chính. Ramit chia sẻ rất kỹ các bước để tiến Financial Freedom và anh đưa ra concept Rich Life mà Trinh rất thích. Theo đó, mỗi người sẽ có một định nghĩa Rich Life của riêng mình và họ sẽ chi tiêu dựa trên Rich Life mà họ theo đuổi.
Nếu với bạn việc du lịch thế giới mang lại hạnh phúc dù sống trong một căn hộ bình thường. Bạn sẽ thấy chi tiêu cho các chuyến đi là hợp lý. Nhưng nếu việc sở hữu một căn nhà sang trọng và có một cuộc sống ổn định mới khiến bạn hài lòng. Bạn sẽ thấy chi tiêu cho bất động sản là bình thường. Concept này đòi hỏi chúng ta quay lại với câu hỏi trọng tâm nhất là chúng ta muốn sống một cuộc đời như thế nào? Và chính viễn cảnh đó sẽ điều hướng kế hoạch tài chính của chúng ta. Cách bạn tiêu tiền sẽ phản ánh được bạn ưu tiên điều gì.
Bên cạnh Rich Life, Ramit cũng đưa ra các phương pháp chi tiêu, quản lý tài chính và đầu tư khá hay như Concious Spending (khác với Budgeting), À La Carte Method, Envelope System… Tất cả có thể tóm gọn lại ở lộ trình: Trả Nợ – Tích Luỹ – Đầu Tư.
Trong trường hợp nếu bạn không có đủ thu nhập để làm bất cứ điều gì thì cách tốt nhất là giảm chi – tăng thu. Tuy nhiên, nếu không có tư duy đúng đắng thì việc này sẽ không dễ dàng thực hiện. Việc cắt giảm chi tiêu cho mọi hoạt động khác với việc cắt giảm triệt để những thứ không mang lại hạnh phúc cho bạn, và tiêu tiền thoải mát cho những thứ bạn quan tâm.
Điều này quay lại câu hỏi trọng tâm mà Trinh đã đề cập ở trên là bạn thật sự ưu tiên điều gì? Riêng với Trinh, Trinh sẽ rất mát tay cho giáo dục, sức khoẻ và phát triển bản thân cũng như các mối quan hệ ý nghĩa. Những khía cạnh khác Trinh sẽ bật mode “frugal” (frugal khác với cheap).
Ramit cũng có chia sẻ những kế hoạch đầu tư chi tiết dành cho người Mỹ. Với các phân tích khá sâu về chế độ hưu trí 401K hay Roth IRA – điều mà xã hội Việt Nam không có (chúng ta chỉ có bảo hiểm xã hội)… Tuy vậy, Trinh vẫn thấy sách này rất đáng đọc. Đây là cuốn sách tài chính đầu tiên Trinh đọc trong năm và cũng là cuốn sách tài chính Trinh thích nhất.
Goodreads Review: Link
6. The Third Door
Một cuốn sách khá thú vị nhưng Trinh lại thấy không thực sự thuyết phục bởi câu chuyện của tác giả.
The Third Door (Kẻ Khôn Đi Lối Khác) xoay quanh câu chuyện của chàng sinh viên Alex Banayan – người tìm mọi cách để phỏng vấn câu chuyện thành công của những doanh nhân, người nổi tiếng hàng đâu nước Mỹ như Bill Gates, Steve Wozniak, Larry King, Jessica Alba, Tim Ferriss, Quincy Jones…. Alex phát hiện một điểm chung nổi bật giữa họ: Tất cả họ đều sử dụng Cánh cửa thứ ba.
‘Cánh cửa thứ ba là gì?
Cuộc sống, công việc, thành công… giống như một buổi biểu diễn. Chúng ta có Cánh cửa thứ nhất: cửa chính, nơi hàng dài người xếp hàng; 99% trong số đó chờ đợi và hy vọng người tiếp theo được vào là mình. Một thiểu số khác thì đi Cánh cửa thứ hai: cửa VIP, cánh cửa dành cho các tỷ phú, người nổi tiếng và những người sinh ra trong thế giới đó.
Nhưng không ai nói cho bạn biết rằng luôn luôn có… Cánh cửa thứ ba. Đó là lối vào mà bạn phải tách ra khỏi đám đông, chạy vào ngõ hẻm, đập cửa hàng trăm lần, cạy mở cửa sổ hay lẻn qua nhà bếp. Và đó chính là con đường để Bill Gates, Steven Spielberg, Lady Gaga, Larry King, Tim Ferriss… trở thành những con người thành công như bây giờ. Tất cả họ đều lựa chọn… Cánh cửa thứ ba.’*
Câu chuyện ban đầu khá truyền cảm hứng. Càng về sau hành trình bất chấp mọi thứ để được gặp gỡ và phỏng vấn người khác của Alex hơi khiến mình ngao ngán. Và điều khiến mình hụt hẫng chính là nó không đưa ra được một kết luận gì. Nó chỉ kể lại hành trình của của Alex và nội dung các cuộc phỏng vấn. Có những cuộc phỏng vấn nội dung khá cụt vì câu hỏi không hay và không có sự chuẩn bị trước. Nhưng Trinh không phủ nhận mình thích đoạn đầu. Đoạn sau trở nên dài và hơi khiên cưỡng.
*(Đoạn trong ngoặc là lời dẫn sách nha)
Goodreads Review: Link
7. Đi Tìm Lẽ Sống
Trinh biết đến cuốn này từ lâu nhưng chưa có ý định đọc. Khoảng gần cuối năm nay, Trinh hơi mất động lực nên muốn tìm một cuốn “deep deep” để đọc và “chữa lành tâm hồn”. Nhưng vượt ngoài mong đợi bản thân, cuốn sách không những xoa dịu những bất an trong Trinh mà con khơi dậy cảm hứng với lẽ sống của mình. Câu nói ấn tượng nhất trong sách với Trinh là “No one has the right to do wrong, even if wrong has been done to them”, tạm dịch “Không ai có quyền làm điều sai trái, ngay cả khi điều sai trái đã xảy ra với họ”.
Lúc đọc sách này, Trinh đã liên tưởng đến phim Shawshank Redemption vì nó mang đến những câu chuyện và bài học tương tự; rằng cuộc sống dù có đầy rẫy bất công, nhưng nếu có lẽ sống và ý chí vững vàng, chúng ta có thể đối mặt, thậm chí chịu đựng được bất kỳ bất công nào. Người khác có thể giam giữ, tra tấn cơ thể chúng ta nhưng họ không thể tước đi tự do trong ý chí của mỗi người. Thái độ của chúng ta khi đối mặt với khó khăn có thể là chìa khóa để vượt qua ngay cả những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Trinh cũng đặc biệt thích những phân tích của tác giả về tâm lý của người lính hậu chiến tranh, đặc biệt là những người lính ở phe thua cuộc. Chiến tranh mang đến cho họ mục đích là phải đấu tranh vì đất nước, vì tổ quốc và họ khao khát được trở về với gia đình. Nhưng khi hoà bình, không ai… còn sống để đợi họ trở về, họ đối diện với những mất mát và cô đơn sâu sắc. Họ lẽ ra có thể chọn làm sai khi đã chịu nhiều bất công, nhưng tác giả đã chỉ ra rằng chúng ta không có quyền làm sai ngay cả khi sai trái đã xảy ra với chúng ta. Lúc viết câu này, Trinh cảm thấy bản thân vẫn chưa thể lột tả được sức nặng của nó. Đoạn này cũng làm Trinh nhớ đến giai đoạn The Lost Generation những năm 1920s của Mỹ, ám chỉ thế hệ lạc lối sau thế chiến 1, nhưng kỳ lạ thay đó lại là thời kỳ nghệ thuật phát triển cực thịnh ở Mỹ.
Tựu lại, với Trinh đây là một cuốn sách rất đáng đọc. Tác phẩm là minh chứng vững bền về sức mạnh của ý chí con người, là kim chỉ nam để chúng ta tìm kiếm mục đích sống ngay cả trong những góc tối nhất của cuộc đời. Những suy nghĩ sâu sắc của Viktor Frankl là nguồn động viên cho những người đang trải qua vô vàn thách thức trong cuộc sống, thúc đẩy chúng ta vượt lên trên hoàn cảnh và nuôi dưỡng tâm thế bền bỉ.
Goodreads Review: Link
8. 22 Quy Luật Marketing Bất Biến
Lý do Trinh đọc cuốn này cũng khá ngẫu hứng. Trinh thấy một comment trên mạng xoay quanh việc lên chiến lược thương hiệu và có đề cập đến cuốn này kèm với lời khen “old but gold”. Thấy anh này đưa ra lý luận khá chặt chẽ nên Trinh nghĩ “Ồ, để mua rồi đọc thử”.
Nhìn chung sách khá dễ đọc vì chỉ nêu ra các quy tắc và ví dụ đi kèm cho từng quy tắc đó. Tuy nhiên có vài quy tắc Trinh thấy không còn phù hợp với thời đại nữa. Tác giả cũng có thừa nhận ở đoạn kết sách và chia sẻ rằng có những quy luật sẽ mâu thuẫn với nhau.
Tóm lại cuốn sách này không quá wow với Trinh nhưng cũng không tầm thường. Nó kiểu cơ bản nhưng không hề cơ bản. Trinh học được nhiều quy tắc khá hay và có nhiều quy tắc vẫn đang được áp dụng hiệu quả ở hiện nay. Với một người cần những kiến thức nền tảng như Trinh thì đây là một cuốn không thể bỏ qua rồi.
Sẵn tiện chia sẻ ngoài lề xíu là Trinh thấy phần lớn Trinh học được nhiều từ các quyển như sách giáo khoa. Đấy cũng là lý do mỗi khi muốn tìm hiểu một chủ đề nào, Trinh sẽ tìm các cuốn hơi kiểu giáo khoa trong ngành để nghiên cứu trước. Sau đó đọc các thể loại xoay quanh chủ đề đó. Vì các đầu sách như vậy luôn cô đọng những kiến thức căn bản nhất mà bạn không thể bỏ qua hay đi lối tắt.
Goodreads Review: Link
9. The Mountain Is You
Trinh đọc cuốn này khi xem một video trên YouTube của chị Jillz Guerin nói về tính nữ. Cuốn này nhận khá nhiều review tốt trên Goodreads nhưng cũng có vài review cho rằng ‘The Mointain Is You’ chỉ là một hiện tượng Instagram.
Thẳng thắn mà nói, Trinh thấy cuốn sách khá insightful nhưng lại không chặt chẽ trong lý luận. Tác giả đề cập đến những pain point rất thấu cảm nhưng lại không đưa ra những nghiên cứu khoa học đi kèm. Dẫu vậy, Trinh thấy nó khá thú vị. Cuốn sách có 300 trang thì Trinh đã highlight hết 150 trang rồi. Bởi nó chứa những câu hỏi mang tính tỉnh thức và có thể xoay chuyển góc nhìn cố hữu của mình.
Văn phong này thường thấy ở các chuyên gia khai vấn. Và thật vậy, tác giả sách – Brianna Wiest là một Life Coach tên tuổi tại Mỹ. Cô cũng là cây bút đứng sau nhiều tác phẩm popular như 101 Essays That Will Change The Way You Think, When You’re Ready, This Is How You Heal Book…
Goodreads Review: Link
10. Tâm Lý Học Về Tiền
Trinh đọc cuốn này vào gần cuối tháng 12 và không nghĩ sẽ đọc xong trong năm nay, vậy mà nó vẫn lọt vào danh sách này.
Trinh biết đến tựa sách này cũng khá lâu rồi, nhưng chỉ quyết định đọc khi xem một cuộc phỏng vấn trên YouTube của tác giả – anh Mogan Housel. Trinh khá thích mindset “Personal finance is personal” của anh ấy. Và sau khi đọc xong Tâm Lý Học Về Tiền, Trinh lại càng thấy thích các góc nhìn của Mogan Housel hơn.
So với “I Will Teach You To Be Rich” của Ramit, Trinh thấy cuốn này tập trung nhiều vào xây dựng tư duy hơn là đưa ra các hướng dẫn có thể thực hiện ngay được. Trinh có review trên Goodreads nên để lại ở đây:
- Chương 4 – Cofounding Compounding (Sự tích tụ gây chấn động)
Một khoản đầu tư tốt không nhất thiết là khoản sinh lời cao nhất, mà là khoản sinh lời tốt và có thể lặp lại trong thời gian dài nhất. Bởi kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhưng không thể nắm giữ lâu dài thì cũng có kết cục không mấy tốt đẹp.
Warren Buffett có thể chỉ là một nhà đầu tư bình thường nếu không có sự kiên trì (ông đầu tư khi mới 10 tuổi). Nhiều trong các khoản đầu tư của ông có lời, nhưng không có lợi nhuận cao nhất so với các nhà đầu tư khác. Song chính sự tích tụ đã mang đến đến khoản lời khổng lồ cho ông. Tác giả nhấn mạnh: “Đầu tư – nếu làm đúng – thật sự rất buồn chán”. - Chương 5 – Getting Wealthy vs Staying Wealthy (Làm giàu và duy trì sự giàu có) Kiếm tiền so với Giữ tiền là hai kỹ năng khác nhau. Điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu, mà là bạn có thể giữ được bao nhiêu. Hãy trở thành người có tài chính vững bền, bởi khả năng tồn tại trong một thời gian dài mà không bị xoá sổ hay buộc phải từ bỏ, mới là điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất. Điều này nên là cơ sở chiến lược của bạn trong đầu tư, kinh doanh và cả sự nghiệp.
- Chương 6 – Tails, you win (Sự kiện sau chót)
Bạn có thể sai phân nửa thời gian và vẫn có thể kiếm được một gia sản. Điều quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu khi bạn làm đúng và bạn mất bao nhiêu khi bạn thất bại. Chương này lẫn chương 5 làm Trinh nhớ đến câu trích dẫn yêu thích trong sách Delivering Happiness: “Play only with what you can afford to lose”. Thất bại trong khi đầu tư không phải là một mức phạt, nó là một phức phí bạn buộc phải trả và là một phần của hành trình. Và khi nhìn nhận theo cách này, Trinh nghĩ chúng ta sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để chơi những cuộc chơi mà mình có khả năng “sống” ngay cả khi mình không thắng. - Chương 7 – Freedom (Tự do)
Một người bạn từng nói với Trinh là nếu Trinh kiếm được nhiều tiền nhưng lại không có thời gian để tiêu được số tiền đó thì thực sự Trinh… không có kiếm được nhiều tiền đâu. Hay nói hơi thô là… nghèo. Dùng tiền để mua thời gian và các lựa chọn mang lại lợi ích cho cuộc sống là thứ mà không món đồ xa xỉ nào có thể cạnh tranh được.
Khả năng làm những gì bạn muốn, khi bạn muốn, với người bạn muốn, và ở nơi bạn muốn là vô giá. - Chương 10 – Save Money
Một trong những cách tốt nhất để tăng khoản tiết kiệm của bạn không phải là tăng thu nhập mà là tăng sự khiêm tốn của bạn. Đừng tiêu tiền để chứng tỏ bạn có tiền. Những người có thành công tài chính cá nhân lâu bền – không nhất thiết phải là người có thu nhập cao mà thường là những người không quan tâm người khác nghĩ gì về họ. Bởi thứ người khác quan tâm không phải là của cải của bạn, mà là của cải của bạn trông như thế nào với họ khi họ có được nó. Nói ngắn gọn thì họ nghĩ về họ. Tiết kiệm = Thu nhập – Cái Tôi (Saving = Earning – Ego)
Bên cạnh các chương này, Trinh cũng ấn tượng với chương cuối, có nội dung bên lề về lịch sử tiêu dùng Mỹ. Trước đây, Trinh học Lịch Sử Mỹ và đã biết 1950s là giai đoạn Post-War Boom với sự xuất hiện của các gia đình Mỹ kiểu mẫu và Giấc Mơ Mỹ. Nhưng điều Trinh chưa được phân tích là những diễn tiến đằng sau đó. Binh sĩ WW II trở về nhà, họ cần việc làm và muốn lập gia đình. Các công việc thời chiến không còn phù hợp nữa và nhà cửa thì thiếu hụt vì nó bị ngưng lại trong thời gian chiến tranh. Điều này kích thích một sự thay đổi kinh tế quy mô lớn, với Chính phủ Mỹ cung cấp những khoản vay lãi suất thấp, tăng lương và đẩy mạnh xây dựng nhà cửa, sản xuất ôtô và hàng loạt các vật dụng khác… để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng bị kiềm nén của binh sĩ sau chiến tranh.
Chính những thay đổi đó đã tạo nên thói quen chi tiêu của những năm 1950, được gọi là “Keeping up with the Joneses” (mô tả hành vi của việc cố gắng duy trì hoặc vượt qua mức sống hay đẳng cấp của người hàng xóm hoặc người khác trong xã hội…).
Đáng nói, sức ép phải “bằng vai phải lứa” với bạn bè từ những năm 1950 vẫn tiếp tục định hình hành vi chi tiêu của chúng ta ngày nay. Trong khi ở thời kỳ đó, mức độ chênh lệch không quá lớn, việc bạn làm ít hay làm nhiều bạn vẫn có khả năng sở hữu những thứ tương đồng. Trong khi ở thời đại ngày nay, việc phân tầng đã rõ nét hơn nhưng lối sống này vẫn còn ảnh hưởng, tạo ra nhiều hệ luỵ cho người tiêu dùng trẻ.
Goodreads Review: Link
Trên đầy là cảm nhận của cá nhân Trinh về 10 đầu sách Trinh đã đọc trong năm qua . Hy vọng review của Trinh sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho mọi người. Các bạn có sách nào hay nhớ recommend để Trinh đọc với nhé!
Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:
🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946
🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh
🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê)
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh
Leave a Reply