Tiếp nối với bài viết Review 10 cuốn sách mình đã đọc năm 2023. Hôm nay mình review 11 khoá học LinkedIn Learning mình đã học trong năm 2023. Trong đó có 10 khoá học liên quan đến Marketing và 1 khoá học liên quan đến Tài Chính.
Ban đầu mình tính học Coursera và edX vì các khoá học ở hai nền tảng này thì chất lượng khỏi bàn rồi. Nhưng các khoá trên Coursera lẫn edX khá dài, lộ trình thường từ tầm 6 tháng – 1 năm nên cần cam kết cao. Trong khi thời điểm đó, mình muốn học các khoá ngắn thiên về kỹ năng lãnh đạo và nền tảng trước, nên đã thử LinkedIn Learning.
Qua 11 khoá học thì mình thấy các khoá trên LinkedIn Learning tương đối dễ học vì các bài giảng có độ bite-sized – chia nhỏ tầm 3-7 phút. Độ dài cả khoá ngắn, tầm 1-3 tiếng. Nên dễ theo dõi và nắm bắt nội dung, phù hợp các bạn cần nắm kiến thức cơ bản, khái quát và kỹ năng mềm trong công việc.
Với các bạn cần chuyên sâu vào một lĩnh vực, Trinh nghĩ các khoá trên LinkedIn Learning sẽ không phù hợp lắm. Bạn cũng có thể học nhiều khoá ở nhiều cấp độ khác nhau cho cùng một lĩnh vực. Nhưng như vậy sẽ khá phân mảnh và dễ bị trùng lặp. Trên LinkedIn Learning cũng có các khoá của Microsoft, Atlassian, GitHub kéo dài tầm 25h+ tiếng, nhưng so với Coursera thì thời gian này không đáng kể.
Tuy vậy, Trinh vẫn thấy LinkedIn Learning khá thiết thiết thực vì đa phần các khoá học được giảng dạy bởi các chuyên gia, C-suite – những người đã thực sự “chinh chiến” trong lĩnh vực cả họ. Do đó, chia sẻ cũng họ rất sát với thực tế và có thể ứng dụng trong công việc. Dưới đây là review chi tiết cho 11 khoá học, mời các bạn tham khảo!
1. Create a Go-to-Market Plan
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Go-to-market Strategy
- Level: Intermediate
Đây là khoá đầu tiên mình học trên LinkedIn Learning và vì vậy cũng là khoá có khả năng định đoạt mình sẽ học tiếp với LinkedIn Learning hay là ngán quá bỏ luôn. Và nó đã khiến mình ở lại.
Khoá học có cấu trúc tương đối chặt chẽ và dễ hiểu, phù hợp với các bạn đã có kiến thức nền về Marketing và nghiên cứu thị trường.
Go-to-market Plan (hay còn gọi tắt là GTM Plan) là kế hoạch tiếp cận thị trường toàn diện mà các doanh nghiệp sử dụng để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường.
Khoá được dạy bởi Deirdre Breakenridge. Cô là CEO at Pure Performance Communications, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học New York (NYU) và là tác giả nổi tiếng của năm cuốn sách được xuất bản trên tờ Financial Times. Đồng thời, cô đã được TopRank Online Marketing xếp vào danh sách “25 women that rock social media”. Khi check profile của cô, mình thấy khá yên tâm để đầu tư vào khoá học này.
Qua khóa học, mình học được nền tảng của một GTM Plan, bao gồm việc khi nào nên xây dựng một GTM Plan, cách nghiên cứu và nắm tình hình tổng quan thị trường, xác định vấn đề và validate ý tưởng sản phẩm, xác định các objectives chiến lược, segment được tệp khách hàng, thâm nhập thị trường bằng competitive advantage và crowd funding… Và sau đó là cách phát triển Product Strategy, Marketing Strategy và Channel Strategy. Cuối cùng là các cách để đánh giá một kế hoạch GTM chuẩn chỉnh.
Tóm lại, Trinh thấy khoá học này ổn với những bạn chưa thật sự rõ GTM Plan là gì như Trinh, nhưng đã có một vài kinh nghiệm marketing sản phẩm.
2. Leading a Marketing Team
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Marketing Leadership
- Level: Intermediate
Lý do mình học khoá này khá hiển nhiên, mình quản lý một team Marketing Communications khá lớn, gồm 5 team nhỏ. Mình muốn được hướng dẫn cách quản lý và xây dựng một team Marketing nên đã chọn học khoá này.
Kỳ vọng của mình về khoá học này rất đơn giản: (i) Nắm bắt được kỳ vọng của cấp trên với tư cách là một Marketing Manager (ii) Biết cách lãnh đạo – vận hành một team Marketing (iii) Có khung đánh giá cho các nhân sự, hướng giải quyết với các mâu thuẫn nội bộ và xây dựng kỹ năng cho từng thành viên (iv) Triển khai các hoạt động Marketing và đưa ra các sáng kiến.
Và Leading a Marketing Team tương đối đáp ứng được kỳ vọng này của Trinh. Nó không bao hàm các kiến thức chuyên ngành mà chủ yếu là các kỹ năng mềm về quản lý nhân sự, lãnh đạo.
Hiển nhiên, hiểu được vấn đề với giải quyết vấn đề là hai kỹ năng hoàn toàn khác biệt. Nhưng nếu không hiểu được vấn đề thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Vì thế, hiểu được các góc khuất khi quản lý một team Marketing và có được các hướng dẫn cụ thể khi gặp phải vấn đề với Trinh là ổn rồi.
Khóa được dạy bởi bác Drew Boyd, chuyên gia sáng tạo và đổi mới hàng đầu toàn cầu, hiện là Giám đốc điều hành chương trình Thạc sĩ Quảng cáo kiêm Giáo sư tiếp thị và đổi mới tại Đại học Cincinnati.
Trước khi chuyển sang lĩnh vực giáo dục, bác Drew có sự nghiệp Marketing thành công tại Johnson & Johnson (17 năm), cùng với thời gian làm việc tại United Airlines. Bác tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ và có bằng MBA từ Đại học Chicago.
Khoá học cô đọng với chỉ 47 phút nhưng với Trinh 47 phút này là xứng đáng. Ban đầu Trinh hơi dè chừng. Nhưng khi check profile của bác Drew thì Trinh đăng ký học luôn. Sự kỷ luật, kinh nghiệm và khả năng đàm phán của một người có kinh nghiệm như vậy thì rất đáng để đầu tư 47 phút cuộc đời.
3. Strategic Planning Foundations
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Strategic Planning
- Level: Intermediate
Review súc tích là khoá này đáng học nhưng sẽ hơi chán một xíu.
Review dài dòng thì khoá này phạm vi không giới hạn trong lĩnh vực Marketing. Strategic Planning Foundations khái quát các kiến thức căn bản cho việc lên kế hoạch chiến lược trong tổ chức và có thể áp dụng cho nhiều phòng bạn. Khoá học cũng đưa ra nhiều thông tin hữu ích về xây dưng quy trình lẫn tư duy liên kế hoạch chiến lược. Các kiến thức được giảng viên cô đọng trong độ dài tầm 1 tiếng 22 phút.
Điểm cộng, với Trinh, là khoá học cho học viên được process, khung sườn và các mô hình khi lên chiến lược (SWOT, 2×2 Matrix, The Five Forces, Hard vs Soft filters…). Điểm trừ là nó hơi đều, ít tương tác nên dễ chán và nhiều khá nhiều lý thuyết nên bạn nào không kiên nhẫn có thể cảm thấy hơi ngộp và muốn bỏ cuộc.
Strategic Planning Foundations được dạy bởi Mike Figliuolo. Ông là người sáng lập và giám đốc điều hành của thoughtLEADERS, LLC, một công ty đào tạo dịch vụ chuyên nghiệp.
4. CMO Foundations: Working with Leadership and Board-of-Directors
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Enterprise Marketing, Executive Leadership
- Level: Advance
Bạn nào có tham vọng trở thành CMO thì có thể tham khảo khoá này.
Khoá được giảng dạy bởi 1 cựu CMO là cô Robbie Kellman Baxter – Founder of Peninsula Strategies LLC. Cô có bằng cử nhân từ Harvard College và bằng MBA từ Trường Kinh doanh Stanford.
Cô Robbie cũng là tác giả của cuốn sách “The Membership Economy”, cuốn sách được xếp trong Top 5 Marketing Book of The Year trên trang Inc.com. Cô đã làm việc với nhiều tổ chức lớn như Netflix và National Restaurant Association, cũng như nhiều công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh được đầu tư bởi các quỹ rủi ro tại Silicon Valley.
Quay trở lại với CMO Foundations – Working with Leadership and Board-of-Directors, khoá học có nội dung xoay quanh việc gợi ý cách CMO có thể làm việc hiệu quả với các nhà lãnh đạo khác, bao gồm CEO và Hội đồng Quản trị. Cô Robbie tập trung chia sẻ cách xây dựng niềm tin và tạo mối quan hệ để CMO được lắng nghe. Đồng thời tạo ảnh hưởng bằng cách hiểu rõ CEO muốn gì từ bộ phận Marketing cũng như cách phục hồi từ thất bại, và cách yêu cầu nguồn lực để triển khai thành công.
Chính vì thế, khóa học không có các kiến thức lý thuyết chuyên ngành, chủ yếu là kỹ năng mềm nhưng insighful.
Khoá học phù hợp cho các anh chị BOD / CMO / Marketing Director hoặc Head of Marketing. So với Trinh thì nội dung này không sát sao với thực tế bản thân, nhưng Trinh nghĩ marketer nên xem qua các bí quyết của cô Robbie để có những bước chuẩn bị cho tương lai.
5. CMO Foundations: Measuring Marketing Effectiveness (ROI)
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Enterprise Marketing
- Level: Beginner
Khác với khoá CMO Foundations: Working with Leadership and Board-of-Directors, khoá học này không xoáy sâu vào việc xây dựng mối quan hệ với C-suite mà tập trung vào hướng dẫn các chỉ số cần đo lường và đánh giá hiệu suất của các hoạt động Marketing. Và vì vậy, nó sẽ xoay quanh các thuật ngữ cũng như các phép tính, chứ không thuần kỹ năng mềm.
Khoá này được giảng dạy bởi bác Drew Boyd, cũng là giảng viên của khoá Leading A Marketing Team Trinh có list ở mục 2. So với các giảng viên khác trên LinkedIn Learning Trinh đã học, bác có khả năng duy trì tương tác và thần thái của một speaker chuyên về lãnh đạo, nên các clip học không quá nhàm chán và một chiều.
Một số metrics được bác đề cập và hướng dẫn cách trong khoá bao gồm: Market share, Unit share, Value share, CLV, Customer profit, ROI, Retention rate, Brand equity….
Trinh nghĩ bạn nào thiên về phân tích, số liệu và performance trong Marketing sẽ thích khoá này. Tuy nhiên, các bạn thiên về mảng sáng tạo cũng cần biết qua các metrics trên để nắm được hiệu suất Marketing và hợp tác tốt hơn với các bạn làm ở mảng số liệu.
6. Marketing Strategy: Competitive Intelligence
- Link khoá học: HERE
- Skills cover: Competitive Intelligence, Marketing Strategy
- Level: Intermediate
Sau khi học xong khoá Create a Go-to-Market Plan của cô Deirdre Breakenridge, mình quyết định học thêm một khoá khác của cô về Marketing Strategy.
Khoá này đi sâu vào hướng dẫn cách nghiên cứu đối thủ, và cách nhận diện điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp. Từ đó phát hiện được lợi thế cạnh tranh. Các chia sẻ nặng về lý thuyết nên sẽ hơi khô khan tý xíu. Nhưng giảng viên chia sẻ khá dễ hiểu và gần gũi.
Trinh nghĩ khoá này sẽ phù hợp với các bạn chuyên về nghiên cứu thị trường cũng như tư vấn chiến lược. Khoá cũng khá ngắn, 48 phút.
7. Advanced Branding
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Branding
- Level: Advanced
Một khoá học khá toàn diện và nền tảng về Branding. Phần mở đầu giới thiệu các yếu tố cơ bản trong Brand. Và các phần sau đó, cũng là phần Trinh thấy thú vị hơn, điểm qua các nội dung về Brand Research, Brand Development, Brand Experience, Brand Touch Point, Brand Management, Brand Loyalty và Brand Validation.
Khoá này mang đến nhiều kiến thức mới mẻ với Trinh. Đặc biệt là các nội dung ở Brand Touch Points và Brand Loyalty. Trinh ấn tượng nhất chỉ số NPS (Net Promoter Score).
Theo đó, chỉ số này được sử dụng để đo độ hài lòng của khách hàng và đánh giá mức độ sẵn lòng của họ giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cho người khác. NPS được đo trên một thang điểm từ -100 đến 100 dựa trên câu hỏi đơn giản: “Trên một thang điểm từ 0 đến 10, bạn sẽ recommend sản phẩm/dịch vụ của chúng tôi cho người khác hay không?”
- Người đánh giá đưa ra số điểm từ 0 đến 6 được coi là “detractor” (khách hàng không hài lòng).
- Người đánh giá 7 hoặc 8 được coi là “passive” (khách hàng hài lòng nhưng không chắc chắn).
- Người đánh giá từ 9 đến 10 được coi là “promoter” (khách hàng hài lòng và sẵn sàng giới thiệu).
NPS được tính bằng cách trừ tỷ lệ detractors từ tỷ lệ promoters.
- NPS dương cho thấy có nhiều người hỗ trợ hơn so với người phản đối
- NPS âm có nghĩa là có nhiều người phản đối hơn.
8. Create Your Brand Message Strategy
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Brand Strategy
- Level: Advance
Khoá này dễ hiểu. Các kiến thức không quá mới mẻ nhưng cách tiếp cận của giảng viên thú vị và logic. Phần đầu khoá học tập trung vào việc xác định đối tượng khách hàng tiềm năng và các phần sau xoay quanh việc tìm kiếm thế mạnh của thương hiệu và các để làm nổi bật điểm mạnh đó cũng như cách tạo nên một thông điệp không thể cưỡng lại được.
Có những điểm nhỏ Trinh tưởng mình đã hiểu nhưng hoá ra qua cách phân tích của giảng viên, Trinh vẫn chưa thực sự hiểu rõ. Đặc biệt là chỗ phân biệt sự khác nhau giữa Slogan và Standout Statement, một cái có cảm xúc và một cái thì không.
Nhờ khoá học, Trinh cũng được biết về Value Cost Gap. Đây là thuật ngữ ám chỉ sự chênh lệch giữa giá trị mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại và chi phí mà khách hàng phải trả. Khoảng chênh lệch này quyết định sự hài lòng và quyết định mua sắm của khách hàng. Đối với doanh nghiệp, tối ưu hóa khoảng chênh lệch giúp tăng cường lợi nhuận. Các bạn có thể tham khảo thêm về mô hình Value Cost Gap Canva để hiểu hơn về thuật ngữ này cũng như cách để tối ưu khoảng cách giữa giá trị và chi phí.
9. How to Research and Write Using Generative AI Tools
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Artificial Intelligence for Design, Writing, Research Skills,
- Level: Beginner
Đây là khoá học hướng dẫn cách viết prompt khi sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầu.
Không quá khó để nhận thấy ảnh hưởng sâu rộng của AI đến thế giới nói chung và lĩnh vực Marketing nói riêng. Trong đó, sự ra đời của ChatGPT – ứng dụng đã không còn xa lạ với người dùng toàn cầu – gần như đã thay đổi một cuộc chơi. Có một quan điểm mà Trinh khá thích đó là AI không thay thế con người nhưng nó sẽ cướp đi công việc của những ai không biết sử dụng AI.
Trinh đã dùng ChatGPT gần một năm nay và gần như mỗi ngày. Và Trinh thấy đây là công cụ đã làm cuộc sống của mình trở nên tốt hơn rất rất nhiều. Đặc biệt là trong công việc và thậm chí là trong quá trình viết các bài blog.
Mặc dù học khoá này khi đã sử dụng ChatGPT được gần 1 thời gian, Trinh vẫn kết nạp được một vài bí quyết hay và thông tin hữu ích.
Khoá này được dạy bởi Dave Birss – Một chuyên gia tên tuổi trong ngành sáng tạo. Trong khoá học, Dave đưa ra các chỉ dẫn về cách viết prompt và ứng dụng ChatGPT cho việc nghiên cứu, xây dựng các nhân vật người dùng và mô hình chiến lược lẫn tóm tắt thông tin và viết. Khoá học ở cấp độ cơ bản nên Trinh nghĩ sẽ phù hợp cho các bạn marketer (đặc biệt là content writer) và nghiên cứu chưa quen thuộc với ChatGPT.
10. Storytelling For Leaders
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Artificial Intelligence for Design, Writing, Research Skills,
- Level: Beginner
Khoá này với Trinh hơi nông và tương đối súc tích. Mặc dù giảng viên cũng đưa ra được các framework áp dụng chứ không thuần lý thuyết và có phân tích 2 case study cụ thể.
Nhưng với cá nhân Trinh, nó không đi sâu về storytelling mà chỉ như một workshop rút gọn để hướng dẫn kỹ năng kể chuyện cho các lãnh đạo, diễn giả.
Và vì vậy, nếu bạn đang kỳ vọng học sâu hơn về kỹ năng kể chuyện thì Trinh nghĩ khoá này sẽ không phù hợp với bạn. Nó chỉ phù hợp cho các bạn muốn trau dồi kỹ năng này vì ở thời điểm nào đó, các bạn cũng sẽ phải kể câu chuyện của mình. Trong trường hợp bạn muốn trở thành storytelling expert thì bạn sẽ thấy khoá học này hơi bề mặt.
11. Financial Basics Everyone Should Know
- Link khoá học: HERE
- Skills covered: Financial Literacy, Personal Finance
- Level: General
Thật sự Trinh cũng khá bất ngờ trước lựa chọn này của bản thân. Vì Trinh không bao giờ nghĩ mình sẽ học Finance trên LinkedIn Learning cả. Trước đó, Trinh chỉ tập trung học các khoá xoay quanh chuyên môn nghề nghiệp của mình.
Nhưng thật may là Trinh đã chọn học khoá này của ạnh Michael McDonald – Một nhà nghiên cứu kiêm giáo sư tài chính tại Đại học Fairfield. Anh có kinh nghiệm sâu rộng trong việc phân tích dữ liệu tài chính lớn và phát triển chiến lược giao dịch. Công trình nghiên cứu của Michael đã được các tờ báo lớn như Wall Street Journal, Bloomberg, CFA Institute, và nhiều tổ chức uy tín khác trích dẫn.
Một khoá học vừa căn bản nhưng vừa hard-core, diễn giả chi tiết nhưng khá gần gũi về cách ngân hàng, sàn chứng khoán, quỹ đầu tư và các công ty bảo hiểm hoạt động như thế nào. Trinh rất thích cách tiếp cận này vì nó giúp học viên hiểu được cách tài chính thế giới đang được vận hành. Ở mỗi học phần, Michael cũng giải thích cặn kẽ các định nghĩa về credit score, stock, bond, ETF Fund, Mutual Funds, Roth IRA, 401K, 403K …
Khoá học cũng khá tinh tế khi đi theo lộ trình Tiết kiệm – Đầu tư – Bảo hiểm – Nghỉ hưu.
Là một người có đam mê với Tài chính cá nhân, Trinh thích khoá học này.
Điểm cộng là nó chi tiết, có flow logic và bám theo insight của học viên và giải thích từng điểm khá cặn kẽ với hình hoạ dễ hiểu.
Điểm trừ là dù khá chi tiết nhưng nó lại chỉ xoay quanh thị trường Mỹ nên một số thông tin sẽ bị thừa thãi nếu học viên là người Việt hay các quốc gia khá mà không phải Hoa Kỳ. Các diễn giải sâu về FED, chế độ hưu trí lẫn bảo hiểm đều không sát với thực tế thị trường Việt Nam. Do vậy bạn có thể chọn bỏ các học phần này. Riêng với Trinh, vốn có bản tính tò mò, nên đã chịu khó xem hết và thấy càng thích hơn!
Trên đây là review của Trinh về 11 khoá học trên LinkedIn Learning trong năm 2023.
Nhìn lại, Trinh thấy năm qua mình đã chăm học hơn các năm trước. Có lẽ vì Trinh đã giảm bớt các hoạt động cộng đồng và quan trọng hơn là học cách tối giản mọi mặt trong cuộc sống.
Và nếu bạn đọc được đến đây thì Trinh rất cảm ơn bạn. Bởi Trinh biết bài viết này khá dài. Trinh đã cố gắng rút gọn nhưng vì mong muốn các bạn có thể dựa trên review này để đưa ra các lựa chọn phù hợp với nhu cầu bản thân hơn, nên không thể viết vắn tắt và quá sơ sài được.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn có được thêm một góc nhìn hữu ích về LinkedIn Learning cũng như các khoá học mà Trinh đề cập.
Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:
🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946
🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh
🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê)
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh
***Bài viết cũng được tác giả đăng tải trên cộng đồng Tâm Sự Con Sen.
29
Leave a Reply