Trong vài năm trở lại đây, cụm từ “chữa lành” bỗng nổi lên như một hiện tượng tại Việt Nam. Điều này tương đối dễ hiểu khi thế giới vừa bước qua một cơn đại dịch và theo sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và hàng nghìn người mất việc. Mọi người bắt đầu rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và mất phương hướng trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.
Bối cảnh này đã “tạo bệ phóng” giúp cho “chữa lành” trở thành một chủ đề “hot”, được khai thác triệt để trên mạng xã hội và thậm chí trong nhiều chiến dịch marketing. Từ khoá học, workshop, retreat cho đến sản phẩm, dịch vụ, đâu đâu cũng thấy gắn mắc “chữa lành”.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc lạm dụng quá mức khái niệm “chữa lành có thể dẫn đến một cái bẫy tâm lý nguy hiểm, được gọi là “The Healing Trap”. Vậy cụm từ này bắt nguồn từ đâu, bản chất của nó là gì và tại sao nó được xem như là một cái bẫy? Cùng Trinh tìm hiểu qua bài viết này nha!
Nguồn Gốc Của The Healing Trap
The Healing Trap là thuật ngữ được các chuyên gia tâm lý dùng để mô tả cho một dạng tâm lý thường gặp ở người có xu hướng đổ lỗi cho bản thân về mọi vấn đề trong cuộc sống, và luôn tìm kiếm những phương pháp “chữa lành” để sửa chữa những lỗi sai của chính mình. Hiện tượng này được cho là đã được thảo luận lần đầu trong cuốn sách “Psychoanalytic Diagnosis” xuất bản năm 1994 của Nancy McWilliams, một nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng người Mỹ.
Trinh biết đến The Healing Trap qua một reel trên Instagram của chị Jillz Guerin – Một YouTuber chuyên nội dung về phụ nữ; chị có đề cập đến cụm từ trên. Sau đó, vì cũng thích tìm hiểu về tâm lý và nhận ra nhiều nhãn hàng tại Việt Nam đang sử dụng nội dung “chữa lành” nên Trinh cũng muốn tìm hiểu kỹ hơn dưới góc độ marketer lẫn phát triển bản thân. Và đó cũng là lý do vì sao Trinh viết bài blog này.
Bản chất của The Healing Trap
The Healing Trap thường bắt nguồn từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, như bị tổn thương, bỏ rơi, lạm dụng… Những trải nghiệm này khiến người ta hình thành niềm tin tiêu cực về bản thân và thế giới xung quanh.
Những người cuốn vào “cái bẫy chữa lành” thường có những dấu hiệu sau:
- Luôn tự trách bản thân: Bạn có xu hướng đổ lỗi cho bản thân về mọi vấn đề xảy ra, ngay cả khi đó là yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát.
- Tìm kiếm sự hoàn hảo: Bạn luôn đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe cho bản thân và cảm thấy thất vọng, tự ti khi không đạt được chúng.
- Ám ảnh việc “chữa lành”: Bạn tin rằng bản thân có những “vết thương” tâm lý cần được chữa lành và dành quá nhiều thời gian, tiền bạc cho các khoá học, liệu pháp mà không thực sự hiểu rõ vấn đề của mình.
- Phụ thuộc vào người khác: Bạn tìm kiếm sự công nhận và xác thực từ người khác để cảm thấy bản thân có giá trị.
Theo Trinh, các ý 1, 2, 4 khá phổ biến trong chúng ta. Hầu như ai cũng có giây phút luôn tự trách mình, chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo và đôi khi chúng ta cũng đặt sự xứng đáng của bản thân dựa trên sự công nhận từ người khác.
Tuy nhiên, ý 3 – xoay quanh nội dung ám ảnh với việc chữa lành là điều Trinh thấy khá thú vị. Bởi đây cũng là hiện tượng nổi lên rầm rộ trong những năm gần đây tại Việt Nam, khi nhiều bạn trẻ “hãnh diện” với việc mình có một… vấn đề tâm lý. Trinh nghĩ rằng, việc thế hệ trẻ cởi mở hơn về những vấn đề tâm lý, tình dục và sức khoẻ tinh thần là những điều rất đáng khích lệ. Đây là những chủ đề nên được thảo luận cởi mở chứ không nên xem là một điều cấm kỵ.
Thế nhưng, quay lại với các vấn đề tâm lý, chúng không được bóc tách một cách đơn giản như vậy và những chia sẻ xoay quanh bí quyết vượt qua các bệnh tâm lý đang chỉ là bề mặt. Lằn ranh giữa “pop psychology” và “actual psychology”* đã bị lu mờ dần trong thời đại ngày nay. Do vậy, việc tin rằng bạn có những vết thương tâm lý cần chữa lành và dành quá nhiều thời gian để chữa lành, nhưng lại chữa lành sai cách có thể khiến bạn vừa “đau ví” mà tâm lý lại chẳng tốt hơn.
*Đây cũng là chủ đề hay Trinh tình cờ đọc được, các bạn quan tâm về tâm lý có thể tìm hiểu nha. Trinh không có nền tảng và không có ý định tìm hiểu sâu nên chỉ đọc qua các bài viết phân tích bình thường thôi.
Tại sao chữa lành có thể là “cái bẫy”?
Mặc dù việc tìm kiếm sự chữa lành và phát triển bản thân là điều tích cực. Nhưng khi quá trình chữa lành của chúng ta xuất phát từ tình yêu thương vào nuôi dưỡng bản thân , chứ không phải từ sự thù ghét bản thân, chúng ta sẽ tự động biết khi nào cần lùi lại và khi nào cần tiến về phía trước.
Ngược lại, khi chúng ta cố gắng “nâng cấp” bản thân vì ghét bỏ chính mình, sự thù ghét đó khiến chúng ta trở nên ám ảnh với việc “vạch lá tìm sâu” nhằm tìm kiếm thêm nhiều vấn đề để sửa chữa.
Vậy hệ quả của The Healing Trap là gì?
- Mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: Bạn luôn tập trung vào những lỗi sai và vết thương của bản thân, khiến bạn khó lòng thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và tiến về phía trước.
- Trì hoãn hành động: Thay vì chủ động giải quyết vấn đề, bạn lại tìm kiếm những phương pháp “chữa lành” như một cách để trốn tránh thực tại.
- Hao tổn thời gian và tiền bạc: Bạn có thể chi trả quá nhiều cho các khoá học, liệu pháp mà không mang lại hiệu quả thực sự.
- Mất đi sự tự tin: Việc luôn tự trách bản thân khiến bạn đánh mất niềm tin vào khả năng của chính mình.
Chữa Lành Đúng Cách
Như Trinh đã đề cập ở trên, chữa lành thật chất không xấu, lạm dụng và lợi dụng chữa lành mới đáng quan ngại. Do vậy, chúng ta cần tỉnh táo để tránh rơi vào cái bẫy The Healing Trap.
Trinh có tìm đọc một số cách chữa lành đúng đắn được khuyến cáo bởi các chuyên gia tâm lý. Và tham chiếu lại với bản thân thì Trinh thấy có một vài cách thực ra mình đã áp dụng mà không hề hay biết. Vậy nên dưới đây Trinh tổng hợp các khuyến cáo của chuyên gia tâm lý đi kèm với diễn giải trải nghiệm của bản thân nhé!
Những cách đó là:
1. Thấu Hiểu Bản Thân:
- Journaling: Trinh từng chia sẻ bài viết về Journaling. Đây là một cách tuyệt vời đã giúp Trinh khám phá thế giới nội tâm của bản thân. Bằng cách ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm của mình mỗi ngày, Trinh dần nhận ra những khuôn mẫu và xu hướng của bản thân.
- Nhận diện cảm xúc: Học cách nhận diện và gọi tên những cảm xúc của mình, dù là tích cực hay tiêu cực. Điều này giúp Trinh hiểu rõ hơn về bản thân và nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ, hành động của mình.
2. Chấp Nhận Bản Thân:
- Thay đổi góc nhìn: Thay vì tự trách móc bản thân, Trinh học cách chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của mình. Vì không ai là hoàn hảo và ai cũng có những khuyết điểm. Cách khai mở góc nhìn tốt nhất với Trinh chính là đọc và xem nhiều YouTube, Podcast để cải thiện, đặc biệt thi thoảng ra ngoài tham gia các hoạt động mới để tiếp xúc với những người hoàn toàn khác mình.
- Tha thứ cho bản thân: Ai cũng từng mắc sai lầm. Thay vì dằn vặt bản thân về những lỗi lầm trong quá khứ, Trinh học cách tha thứ cho bản thân và rút kinh nghiệm. Trinh làm điều này cũng nhờJournal, cụ thể hơn là Gratitude Journal.
- Tập trung vào điểm mạnh: Thay vì chăm chăm vào các điểm yếu, Trinh nhờ bạn bè và những người thân xung quanh chia sẻ với Trinh về những điều mà họ nghĩ Trinh làm tốt, nhờ đó Trinh khám phá được những thế mạnh của bản thân và tập trung vào đó.
3. Yêu Thương Bản Thân:
- Chăm sóc bản thân: Là người lớn lên trong một gia đình có nhiều biến cố liên quan đến sức khoẻ nên bí quyết này Trinh luôn ưu tiên thực hiện. Chăm sóc sức khoẻ với Trinh không chỉ là sức khoẻ thể chất, mà còn là sức khoẻ tinh thần, cảm xúc và tâm linh. Bên cạnh chế độ ăn uống chưa được kỷ luật lắm thì việc tham gia các hoạt động thể thao là điều Trinh nghĩ mình đã làm tốt, như chạy bộ, tập yoga…
- Nói chuyện tích cực với bản thân: Cách này Trinh thấy mình cũng đã thực hành một thời gian, thông qua việc chơi Pinterest. Trinh từng chia sẻ ở bài viết về Vision Board là Trinh có các board liên quan đến Affirmation và hay dùng nó để nhắc nhở và khích lệ bản thân.
- Làm những điều mình thích: Các chuyên gia cho rằng để chữa lành chúng ta có thể dành thời gian cho những sở thích, đam mê của bản thân. Điều này giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và yêu đời hơn. Với Trinh, đó là các hoạt động như đọc sách, viết blog, làm việc và dành thời gian cho những người mình thân yêu.
4. Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ:
- Chia sẻ với người thân, bạn bè: May mắn của Trinh là Trinh luôn có một hệ thống hỗ trợ ở bên mình. Để những lúc gặp khó khăn, Trinh luôn được lắng nghe và thoải mái chia sẻ. Điều này giúp Trinh cảm thấy được an ủi và giải toả rất nhiều.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp: Thực ra trong các cách mà chuyên gia tâm lý đưa ra thì Trinh chưa dùng đến cách này, cũng có thể một phần vì Trinh may mắn có sự đồng hành của mentor và coach. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tự mình vượt qua những vấn đề tâm lý, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý nhé!
Lời kết
Khi chúng ta quá lạm dụng một điều gì đó, hiển nhiên nó sẽ phản tác dụng. Chữa lành cũng không ngoại lệ. Vốn là một khái niệm đẹp đẽ, giờ đây chữa lành đã trở thành một trào lưu. Thay vì chạy theo những xu hướng nhất thời hay tìm kiếm sự hoàn hảo, hãy để hành trình chữa lành của bạn bắt nguồn từ tình yêu thương và sự chấp nhận bản thân.
Mình luôn tin rằng ai trong chúng ta cũng xứng đáng được hạnh phúc và bình yên, ngay cả khi chúng ta chưa hoàn hảo. Vậy nên, hãy kiên nhẫn với bản thân và bước đi trên con đường chữa lành với sự tỉnh thức và lòng trắc ẩn. Cuối cùng, chúc bạn luôn mạnh mẽ và tỏa sáng trên hành trình trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình! ❤
Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.
Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:
🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946
🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh
🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê)
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh
Leave a Reply