Văn hoá tiêu dùng “Keeping up with the Joneses” & cái giá của sự so sánh

, ,

Tết đến, xuân về là dịp để hội ngộ gia đình, bạn bè và quây quần bên những người ta yêu mến. Tuy nhiên, theo mình, đây cũng là thời điểm chúng ta bắt đầu, một cách vô thức hay có nhận thức, rơi vào cuộc chiến so đo thành tích, thu nhập và bật chế độ “không được thua kém nhà hàng xóm”.

Điều này làm Trinh liên tưởng đến một văn hoá tiêu dùng tại Mỹ, đã xuất hiện vào những năm 1950s – sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến lối sống ngày nay. Đó là “Keeping up with the Joneses”.

Trước đây khi học môn Lịch Sử Mỹ, Trinh đã nghe qua cụm từ này nhưng không có dịp đào sâu về nó. Sau này khi đọc sách Tâm Lý Học Về Tiền, Trinh được tác giả Morgan Housel giải thích cặn kẽ hơn về tác động của Thế Chiến 2 đến văn hoá tiêu dùng tại Mỹ và cách nó ảnh hưởng đến tài chính của người tiêu dùng toàn cầu ngày nay.

Trong bài viết này, hãy cùng Trinh tìm hiểu về nguồn gốc của thành ngữ này, cách nó đã phản ánh lịch sử, và tác động của nó đối với tài chính và tâm lý người tiêu dùng ngày nay nhé!

Keeping up with the Joneses là gì và vì sao chúng ta phải theo kịp nhà Jonese?

Keeping up with the Joneses không phải là series ăn theo Keeping up with the Kardashians đâu nhé 😂 Đây là một thành ngữ phổ biến xuất hiện tại Mỹ vào thế kỷ 20, cụ thể là những năm 1950s, ám chỉ việc cố gắng duy trì hoặc vượt qua lối sống hoặc tài sản của hàng xóm hoặc đồng nghiệp.

Thành ngữ này ngụ ý một mong muốn theo kịp với người khác về tài sản vật chất, địa vị xã hội, hoặc thành tựu, thường là do áp lực xã hội hoặc tinh thần cạnh tranh. Cụm từ thường được sử dụng để miêu tả hành động theo đuổi một lối sống có thể vượt quá khả năng của mình để trông có vẻ thành công hay giàu có như người khác.

Vì đâu chúng ta phải theo kịp nhà Jonese?

Nguồn gốc của thành ngữ này được liên kết chặt chẽ với thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Để hiểu rõ hơn về văn hoá tiêu dùng này, Trinh sẽ vắn tắt bối cảnh của Mỹ lúc bấy giờ.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhu cầu tài nguyên và sản xuất tại Mỹ tập trung hầu hết để phục vụ chiến sự. Nhu cầu tiêu dùng gần như không có. Sau khi chiến thắng phe Trục, quân lính Mỹ trở về và họ cần việc làm, nhà để ở và bắt đầu có mong muốn lập gia đình.

“Chú Sam” lúc này đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm khuyến khích tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế Hoa Kỳ. Việc này kéo theo hàng loạt thay đổi lớn gồm:

  • Chuyển đổi từ sản xuất quân sự sang tiêu dùng: Các nhà máy trước đây chuyên sản xuất vũ khí và quân trang đã chuyển đổi để sản xuất hàng tiêu dùng và ô tô. Sự chuyển đổi này đã làm gia tăng sản lượng và đa dạng hóa các sản phẩm tiêu dùng, tạo ra nhiều lựa chọn mới cho người tiêu dùng.
  • Chính phủ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tài chính và việc làm: Trong những năm hậu chiến tranh, chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều chính sách tài chính để khuyến khích tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế. Các chính sách nổi bật bao gồm việc hỗ trợ việc làm, vay vốn với lãi suất thấp để kích thích mua sắm và đầu tư. Chính vì thế, người dân cảm thấy có khả năng tài chính hơn để mua sắm và duy trì lối sống tương đương với người hàng xóm hay những người mà họ ngưỡng mộ.
  • Kinh tế phát triển vượt bậc Nhờ vào các chính sách của chính phủ cũng như việc chiến thắng sau thế chiến 2, Hoa Kỳ trở thành một nền kinh tế phồn thịnh. Người dân Mỹ có thêm thu nhập và sự ổn định tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng của văn hoá tiêu dùng. Tác giả Morgan Housel từng chia sẻ rằng, ở thời kỳ này việc bạn làm nhiều hay ít hơn người khác cũng không có chênh lệch đáng kể trong lối sống nên việc “bằng vai phải lứa” với hàng xóm cũng khá dễ dàng. Chính vì thế, dù sau này, khi các chênh lệch đã xuất hiện, người tiêu dùng vẫn dính với tâm lý phải “theo kịp nhà Joneses”.
  • Thay đổi trong phong cách sống và giá trị gia đình: Nhu cầu về cuộc sống thoải mái và tiện nghi gia đình đã tăng cao. Việc sở hữu những sản phẩm mới và hiện đại không chỉ là sự thoải mái cá nhân mà còn trở thành một cách để thể hiện thành công và phong cách sống của gia đình. Lúc này, gia đình cũng trở thành một yếu tố trong việc việc thể hiện địa vị xã hội, danh tiếng và thành công. Sự so sánh giữa những gia đình với nhau là hệ quả tất yếu. Bạn có thể xem phim Far From Heaven để hiểu rõ hơn bối cảnh Mỹ những năm 1950s. Mình từng list các phim về Lịch Sử Mỹ ở bài viết “Học văn hóa & lịch sử qua phim ảnh và âm nhạc”.
  • Bùng nổ trong quảng cáo và truyền hình: Một thay đổi đáng kể không thể bỏ qua đó chính là sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo. Thậm chí đây còn được xem là giai đoạn bùng nổ nhất trong lịch sử ngành quảng cáo với sự lên ngôi của TV commercial. Các chiến lược quảng cáo lúc này đặc biệt nhấn mạnh vào việc thể hiện cuộc sống giàu có và thành công, góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như tinh thần theo kịp nhà Joneses.

Có thế thấy, những thay đổi này đã tạo ra một môi trường thích hợp cho sự xuất hiện và phát triển của văn hoá tiêu dùng “Keeping up with the Joneses.” Mọi người bắt đầu chú ý và cảm nhận áp lực xã hội về việc duy trì hoặc vượt qua một tiêu chuẩn xã hội về thành công và giàu có thông qua việc so sánh với người khác trong cộng đồng.

Keeping up with the Joneses vẫn ảnh hưởng đến lối sống hiện đại?

Mặc dù đã trôi qua nhiều thập kỷ, văn hoá tiêu dùng “Keeping up with the Joneses” vẫn duy trì sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài chính và đời sống hiện đại. Mới đây thôi, Fortune còn đăng tải một bài viết nói về ảnh hưởng của văn hoá này lên thế hệ Gen Z. Sự đối mặt với áp lực so sánh và cạnh tranh vẫn là một phần không thể tách rời của cuộc sống xã hội, và điều này tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với mọi người.

Ảnh hưởng của văn hoá Keeping up with Joneses

Văn hoá tiêu dùng “Keeping up with the Joneses” có những tác động sâu sắc và đa chiều đến tài chính và đời sống của mọi người. Bạn nào có thời gian có thể tham khảo đọc nghiên cứu của INSEAD để hiểu rõ hơn.

Dưới đây là một khía cạnh nổi bật mà mình tổng hợp được sau khi đọc các bài viết trên Harvard Crimson, Fortune và Forbes…:

  • Áp lực tài chính: Hệ luỵ dễ thấy nhất có lẽ là áp lực tài chính. Việc phải duy trì hoặc cố gắng vượt qua lối sống của hàng xóm và đồng nghiệp có thể dẫn đến áp lực tiền bạc. Việc theo đuổi những tiêu chuẩn xã hội về thành công và giàu có thường đi kèm với việc tiêu tiền không kiểm soát, gây ra nợ nần và khả năng tiết kiệm kém.
  • Tiêu thụ vô ý thức: Thách thức lớn đối với những người áp dụng văn hoá tiêu dùng này là việc tiêu tiền mà họ không cần thiết chỉ để duy trì hình ảnh. Việc này có thể dẫn đến sự lãng phí tài nguyên và tài chính cá nhân, làm ảnh hưởng đến việc tiết kiệm và đầu tư.
  • Tâm lý và sức khỏe: Cảm giác không đạt được tiêu chuẩn xã hội và không theo kịp “hàng xóm” có thể tạo ra căng thẳng tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Stress về tài chính và sự so sánh liên tục có thể dẫn đến vấn đề như lo lắng, trầm cảm, và thậm chí là tình trạng căng thẳng cơ bản.
  • Ảnh hưởng đến xã hội: Văn hoá tiêu dùng này cũng tác động đến mối quan hệ xã hội. Sự cạnh tranh và so sánh về mặt tài chính có thể tạo ra sự căng thẳng trong cộng đồng và gia đình, khiến cho mọi người cảm thấy áp lực phải thể hiện mình và cuộc sống của mình tốt hơn.
  • Mất cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu (lạm phát lối sống): Người ta có thể dễ dàng rơi vào thói quen chi tiêu vượt quá khả năng tài chính để đáp ứng mong muốn xã hội, mình từng viết về chủ đề này trong bài viết Lạm phát lối sống. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, gây khó khăn trong việc tiết kiệm, đầu tư, và chuẩn bị cho tương lai tài chính.
  • Tạo đà cho lối sống không bền vững: Văn hoá tiêu dùng này thường dẫn đến lối sống không bền vững, khi mọi người liên tục tiêu tiền vào những vật dụng và trải nghiệm không cần thiết, ảnh hưởng đến môi trường và tạo ra sự phí phạm nguồn lực, tài nguyên.

Tóm lại, “Keeping up with the Joneses” không chỉ tác động đến khía cạnh tài chính mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống và xa hơn là môi trường, khí hậu và hành tinh của chúng ta.

Lời kết: Chúng ta có thể làm gì?

Trong khi văn hoá tiêu dùng “Keeping up with the Joneses” vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại, Trinh nghĩ chúng ta có thể thực hiện những bước nhỏ để góp phần thay đổi văn hoá này.

Với Trinh những bước nhỏ đó chính là bắt đầu thấu hiểu ý thức tiêu dùng của bản thân và học cách tiêu dùng bền vững hơn lẫn tôn trọng sự khác biệt. Điều này nghĩa là cởi mở và khuyến khích sự đa dạng và độc lập trong cách mọi người hiểu và theo đuổi ý nghĩa cuộc sống của họ. Mỗi người đều có một cách riêng biệt để định nghĩa thành công và hạnh phúc.

Một nỗ lực nhỏ khác mà Trinh cũng đang cố gắng mỗi ngày là học về tài chính và đầu tư để bản thân chi tiêu có trách nhiệm hơn; đầu tiên là với bản thân, sau đó là với gia đình và xa hơn là với môi trường sống xung quanh. Nhưng cũng không quên cho bản thân tìm kiếm sự cân bằng giữa việc thưởng thức cuộc sống và tạo ra một tương lai tài chính ổn định hehe.

Nghe có vẻ rất nhỏ thôi những với riêng bản thân Trinh thì những thay đổi trên không hề dễ dàng chút nào, vì con người thì luôn có thiên kiến và chúng ta có những thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức và cần nhiều thời gian để thay đổi. Thay vì theo kịp nhà Jonese, hãy theo đuổi cuộc sống mà bản thân bạn mong muốn.


Trinh hy vọng bài viết này mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và thú vị nhé.

Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:

🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946

🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh

🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê) 
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh

15

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *