Gần đây, mình được hỏi là theo trường phái marketing nào và đâu là marketer mà mình theo dõi. Mình bỗng chần chừ, vì định nghĩa “trường phái marketing” có thể muôn vàn kiểu. Thay vì giải thích dài dòng để đôi bên cùng hiểu đúng về định nghĩa này, lúc đó, mình đã trả lời rằng mình không theo trường phái nào cả vì mình nghĩ “Founders make the best start-up marketers”.
Thật khó để tìm ra một marketer nổi tiếng toàn cầu, nhưng sẽ dễ dàng hơn khi kể tên những nhà sáng lập gắn liền với thương hiệu của họ. Steve Jobs, Elon Musk, Sara Blakely,… – những nhà sáng lập tài ba ấy chính là những marketer kỳ cựu mà mình ngưỡng mộ.
Theo mình, ở giai đoạn khởi đầu, marketer và thậm chí là salesman tốt nhất cho startup chính là founder. Dưới đây là lý do vì sao mình có suy nghĩ này:
1. Không ai hiểu về sản phẩm hơn nhà sáng lập
Hiểu biết sâu sắc về sản phẩm/dịch vụ là nền tảng cho mọi hoạt động marketing hiệu quả. Mình nghĩ với một doanh nghiệp mới ra đời, không ai hiểu rõ về sản phẩm/dịch vụ hơn người đã khai sinh ra nó. Founder am hiểu mọi khía cạnh của sản phẩm, từ ý tưởng ban đầu đến quá trình phát triển và những giá trị cốt lõi. Kiến thức này giúp founder truyền tải thông điệp một cách chân thực và thuyết phục, thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.
Sẽ có trường hợp founder là người có nền tảng về marketing và có cả trường hợp founder không có nền tảng về marketing. Nhưng dù trong viễn cảnh nào, nhà sáng lập vẫn là người hiểu rõ vì sao sản phẩm lẫn doanh nghiệp ra đời. Vậy nên ở những giai đoạn sơ khởi của một tổ chức, founder với mình vẫn là marketer phù hợp nhất và cũng có thể là sale man tốt nhất luôn.
2. Không ai nắm bắt sứ mệnh, tầm nhìn và tính cách thương hiệu rõ hơn nhà sáng lập
Giai đoạn ban đầu, tính cách của thương hiệu thường gắn liền với dấu ấn của nhà sáng lập và cũng thường phản ánh mong muốn của nhà sáng lập cho tổ chức. Và vì thế, ngoài nhà sáng lập ra, khó có ai có thể hiểu được và kể được sứ mệnh, tầm nhìn hơn nhà sáng lập, cũng như cách kể về nó nên như thế nào.
Sứ mệnh và tầm nhìn là những yếu tố then chốt định hướng mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả marketing. Founder chính là người chắp bút nên sứ mệnh và tầm nhìn, từ đó hiểu rõ hơn ai hết về mục tiêu và định hướng của doanh nghiệp. Nhờ vậy, founder có thể xây dựng chiến lược marketing phù hợp, đảm bảo sự nhất quán trong thông điệp và thu hút những khách hàng tiềm năng đồng điệu với giá trị cốt lõi của thương hiệu.
3. Không ai truyền cảm hứng tốt hơn nhà sáng lập
Niềm đam mê và sự nhiệt huyết của founder là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả đội ngũ và khách hàng. Founder có khả năng truyền tải niềm tin vào sản phẩm/dịch vụ của mình một cách tự nhiên và chân thực, tạo dựng sự kết nối sâu sắc với khách hàng tiềm năng. Khả năng truyền cảm hứng này là yếu tố then chốt để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Lời kết
Là người đã có nhiều năm làm marketer cho các công ty start-up, mình nhận thấy founder đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và dẫn dắt hoạt động marketing của startup. Không ai hiểu những gì các nhà sáng lập đang làm hơn chính họ. Dĩ nhiên ở những giai đoạn tiếp theo, sẽ có những marketer phù hợp hơn với mức độ trưởng thành của tổ chức. Và đôi khi lúc này founder cũng có thể đã không còn nằm trong bộ máy vận hành. Tuy nhiên ở điểm khởi đầu, founder là marketer phù hợp nhất giúp startup chinh phục thị trường vì họ hiểu rõ sản phẩm, sứ mệnh, tầm nhìn, cùng với khả năng truyền cảm hứng, thích ứng và cam kết cao.
49
Leave a Reply