YOLO vs YODO: Hưởng thụ hiện tại hay tạo dấu ấn cho tương lai?

Văn hoá YOLO (You Only Live Once – Bạn chỉ sống một lần) có lẽ đã không còn xa lạ với giới trẻ. Tại Việt Nam, YOLO đã ngày càng phổ biến đi kèm với một nền kinh tế tiêu thụ YOLO Economy, kích thích thay đổi, mua sắm liên tục để thỏa mãn nhu cầu và không thua thiệt bạn bè. Tuy nhiên, liệu YOLO có phải là cách duy nhất để thực sự tận hưởng cuộc sống? Và lối sống này thực sự tốt cho thế hệ trẻ hay chỉ cổ xúy cho một xu hướng hưởng thụ nhưng không biết suy nghĩ cho tương lai?

Trước đây, Trinh có chia sẻ về chủ đề Lifestyle Inflation – Lạm phát lối sống và có đã từng đề cập đến hệ luỵ của trào lưu YOLO. Trong bài viết này, Trinh muốn chia sẻ góc nhìn sâu hơn của bản thân về YOLO, bằng cách đặt nó lên bàn cân với một lối sống cũng đang dần trở nên phổ biến – YODO (You Only Die Once – Bạn chỉ chết một lần nhưng bạn sống mỗi ngày).

Vậy YODO khác gì YOLO? Và lối sống nào phù hợp với bạn? Cùng Trinh khám phá qua bài viết dưới đây nha.

YOLO và “hệ luỵ đánh tráo khái niệm”

YOLO được dùng để thể hiện ý nghĩa rằng mỗi người chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, vậy nên hãy tận dụng mọi khoảnh khắc đặc biệt là quãng đời tuổi trẻ để sống hết mình, thực hiện những điều mình mong muốn, để sau này không phải tiếc nuối với những “ước gì”, “giá như”…

Ban đầu, mục đích của trào lưu YOLO là khuyến khích tinh thần dũng cảm trải nghiệm. Tuy nhiên, về sau, thông điệp này đã dần bị bóp méo thành một lối sống hưởng thụ quá đà và thiếu trách nhiệm.

Một bài báo mình đọc trên Tuổi Trẻ đã chỉ ra rằng: “Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ Việt hiện nay ưa chuộng lối sống YOLO sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp nhưng lại bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính, trong khi con số nợ tín dụng ở mức từ vài triệu đến chục triệu hàng tháng.”

Khảo sát năm 2021 của Master Card thực hiện tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ ra, người trẻ Việt hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính. Trong số các nước được khảo sát, Việt Nam xếp hạng 14. Những hạn chế này là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ tiền chưa kịp “đầy túi” đã “vơi cạn”.

Hiển nhiên, đa phần các bài báo về YOLO thường gắn với các sản phẩm tài chính và xoáy sâu về góc độ chi tiêu. Tuy nhiên, các dẫn chứng từ các bài viết này hoàn toàn có căn cứ, chứ không thuần được phù phép để quảng cáo và “soft sell” cho các sản phẩm đầu tư.

Nhưng có thể thấy, sự hiểu lầm về “YOLO” đã dẫn đến thói quen đặt thú vui bản thân tất cả, thậm chí trên cả trách nhiệm cá nhân và xã hội. Thực tế, cuộc sống đâu chỉ xoay quanh việc làm những điều mình thích, mà còn nằm ở việc hiểu rằng mọi hành động của bản thân có thể ảnh hưởng đến tương lai của chính chúng ta và những người xung quanh.

Mình chia sẻ những góc nhìn trên không phải vì mình chưa bao giờ… YOLO. Mình không hoàn hảo đến vậy và mình biết mình còn có nhiều “điểm mù” cần khai phá và hoàn thiện. Trước đây mình cũng hay vô tư dùng từ YOLO, nhưng cũng chỉ đơn thuần dùng từ này thôi. Nhưng may mắn mình chưa có những hành động hay quyết định ảnh hưởng đến người khác và tương lai của mình.

YODO – Bạn chỉ chết một lần nhưng bạn sống mỗi ngày

Khác với YOLO, YODO – You Only Die Once, là một lối sống đòi hỏi sự nhận thức về việc bạn chỉ chết một lần. Điều này đồng nghĩa rằng bạn có trách nhiệm sống mỗi ngày. Một cách nào đó, YODO có thể được xem như một hình thức của mindfulness, một cách đánh thức tâm hồn chúng ta khỏi trạng thái tự động và cho phép chúng ta tận hưởng mọi khoảnh khắc một cách “chánh niệm” hơn.

Lối sống YODO đòi hỏi mỗi cá nhân có trách nhiệm đối với cuộc sống của mình. Chúng ta không thể lãng phí thời gian hay nhân lực và tài lực vì chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có một cuộc đời. Điều này thúc đẩy mỗi người đặt ra mục tiêu và kế hoạch cho tương lai. Bạn sẽ chăm sóc tài chính của mình, quản lý thời gian một cách hiệu quả hơn và phấn đấu để thực hiện những ước mơ và mục tiêu đáng giá. Trách nhiệm cũng bao gồm việc duy trì sức khỏe cá nhân và quan tâm đến người thân yêu.

Nhưng lối sống YODO không chỉ xoay quanh việc sống cho tương lai. Nó cũng khuyến khích chúng ta sống trong hiện tại và tận hưởng mọi khoảnh khắc. Bằng cách thấu hiểu rằng chúng ta chỉ chết một lần, ta có thể biết ơn những niềm vui nhỏ hàng ngày. Cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn khi chúng ta tập trung vào những điều tích cực xung quanh, tạo kỷ niệm đáng nhớ và để lại dấu ấn trong cuộc sống của người khác. Với cách sống này, mình cảm nhận sự giàu có trong từng khoảnh khắc và hiểu rõ giá trị của cuộc sống.

Biểu hiệu của lối sống YOLO

Khi đặt trên bàn cân với YODO, YOLO có những điểm đối lập rõ rệt. Những người sống theo trào lưu YOLO thường có những dấu hiệu sau trong lối sống và quyết định hàng ngày của họ:

  • Quyết định nhanh chóng và không cân nhắc: Họ thường đưa ra quyết định nhanh chóng mà không cân nhắc kỹ lưỡng, chủ yếu dựa trên mong muốn và cảm xúc hơn là suy nghĩ thấu đáo, cặn kẽ.
  • Thiếu kế hoạch tương lai: Người sống YOLO thường không có kế hoạch dài hạn, họ tập trung vào việc tận hưởng hiện tại mà ít quan tâm đến tương lai.
  • Thích phiêu lưu và thách thức: Họ thích tham gia vào những trải nghiệm mới mẻ và thách thức bản thân.
  • Chi tiêu không cân nhắc: Người sống YOLO có thể tiêu tiền một cách không kiểm soát và không có kế hoạch quản lý tài chính.
  • Tập trung vào những trải nghiệm “mì ăn liền”: Họ thích tận hưởng những niềm vui trước mắt và đánh giá cao những trải nghiệm ngắn hạn hơn là những mục tiêu dài hạn.
  • Thích tự do, không gò bó: Người sống YOLO thường thích tự do, không gò bó, và có xu hướng né tránh những cam kết lâu dài hoặc trách nhiệm nặng nề.
  • Có khả năng tìm kiếm những “niềm vui chóng tàn”: Họ có khả năng tìm thấy nhiều niềm vui chóng vánh và không ngần ngại thay đổi để đạt được điều này.
  • Ưu tiên mối quan hệ ngắn hạn, mập mờ: Họ có xu hướng tập trung vào những mối quan hệ ngắn hạn và không rõ ràng hơn là mối quan hệ chặt chẽ và lâu dài.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người có những đặc điểm này đều sống hoàn toàn theo trào lưu YOLO. Và bạn cũng đừng lo nếu bạn có những biểu hiện trên, vì các thói quen này đều có thể thay đổi theo thời gian nếu ta thực sự muốn. Thật ra, chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi YOLO Economy, hay FOMO Economy . Và trên hết, YOLO cũng không hoàn toàn tiêu cực.

YODO có hoàn hảo tuyệt đối và YOLO có hoàn toàn tiêu cực?

YOLO thật ra không hoàn toàn xấu, nó chỉ bị đánh trái kháo niệm và lạm dụng quá mức. Nhìn ở góc độ khác, YOLO mang đến động lực, khuyến khích tư duy khám phá và tinh thần tích cực. YOLO giúp hình thành sự tự lập, giúp người ta đánh giá cuộc sống và đối mặt với thách thức một cách lạc quan. Một số mặt tích cực của YOLO có thể kể đến là:

  • Tạo động lực và năng lượng: YOLO có thể tạo động lực cho mọi người để tận hưởng cuộc sống và thách thức bản thân. Nó có thể là nguồn động viên để đạt được mục tiêu và trải nghiệm mới.
  • Khám phá và cởi mở với nhiều trải nghiệm mới: YOLO khuyến khích tinh thần khám phá và trải nghiệm, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, qua đó để ta hiểu rõ hơn về bản thân và thế giới xung quanh.
  • Lạc quan: Với cách nghĩ bạn chỉ sống một lần, YOLO giúp ta lạc quan và tận hưởng từng khoảnh khắc hơn, cũng như đối mặt với thách thức một cách tích cực.
  • Tự lập (và tự do): YOLO thường đi kèm với sự tự do và tự lập. Người ta có thể tự do đưa ra quyết định của mình mà không bị ràng buộc bởi những gò bó.

Có thể thấy, YOLO mang đến những hệ luỵ cho tương lai nhưng nó cũng có những điểm sáng nhất định. Mình thấy việc nhìn nhận nhiều chiều như vậy sẽ giúp chúng ta có được những nhận thức ban đầu (self-awareness) về lối sống của mình để từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Sống YOLO “có trách nhiệm” hơn

Thay đổi một lối sống không hề dễ dàng, nó chỉ dễ dàng khi chúng ta đột nhiên được gia tăng thu nhập và nâng cấp lối sống, mà điều này cũng tiềm tàng những hệ luỵ nguy hại nếu chúng ta không biết cách quản lý tài chính hiệu quả.

Quay lại với việc sống YOLO có trách nhiệm hơn, bạn cần kiên nhẫn với những điều chỉnh nhỏ và đòi hỏi những thay đổi trong tư duy, nhận thức.

Dưới đây là một vài gợi ý mình tổng hợp được từ các nhân vật có sức ảnh hưởng về tài chính ở nước ngoài và cả Việt Nam, đi kèm một vài đúc rút trong kinh nghiệm của bản thân:

  • Đặt mục tiêu cụ thể: Xác định những mục tiêu cụ thể mà bạn muốn đạt được, không chỉ là những trải nghiệm ngắn hạn mà còn là những kỳ vọng lâu dài và phát triển bản thân.
  • Cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định: Trước khi đưa ra quyết định, hãy cân nhắc về hậu quả và tác động lâu dài của nó, đặc biệt là với các quyết định quan trọng như chuyển đổi sự nghiệp, kết hôn, relocation…. Điều này giúp bạn đưa ra các quyết định có trách nhiệm hơn.
  • Quản lý tài chính: Thiết lập và tuân thủ kế hoạch quản lý tài chính, giúp bạn tiết kiệm, đầu tư một cách thông minh và tránh nợ nần không kiểm soát.
  • Quản lý thời gian: Học cách quản lý thời gian hiệu quả để có thể cân bằng giữa công việc, giải trí, và thời gian cho bản thân. Đừng để bản thân rơi vào tình trạng làm việc quá tải và sau đó cần YOLO thật nhiều để thể hiện tinh thần “love yourself”, vì mình “đã quá vất vả rồi, mình xứng đáng được tưởng thưởng cho bản thân”.
  • Thiết lập ranh giới: Hãy biết khi nào nên nói “không” và thiết lập ranh giới để bảo vệ thời gian và năng lượng của bạn.
  • Xem xét các mối quan hệ: Đánh giá mối quan hệ của bạn và đảm bảo rằng bạn đang đầu tư vào những mối quan hệ có ý nghĩa và tích cực. YOLO không chỉ xoay quanh tài chính hay chi tiêu, việc YOLO với các mối quan hệ, sức khoẻ và công việc cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến thời gian, tinh thần của bạn – những phương diện quan trọng chẳng kém gì tiền bạc.
  • Tập trung vào sức khoẻ: Chú ý đến sức khỏe. Không chỉ sức khoẻ thể chất mà cả sức khoẻ tinh thần. Đi tập gym, chạy bộ hay thiền và yoga cũng không khiến bạn cảm thấy tốt hơn đâu nếu bạn không dành thời gian suy xét cho những bận tâm trong đầu.
  • Học hỏi từ sai lầm của bản thân: Đúc rút từ những trải nghiệm YOLO để phát triển và tránh lặp lại những sai lầm của bản thân trong quá khứ.
  • Tạo môi trường tích cực: Mình đã nghe đâu đó rằng “Bạn chính là trung bình của 5 người thân nhất của bạn cộng lại”. Bạn không thể sống trách nhiệm hơn nếu bạn vây quanh bản thân mình với những người theo trào lưu YOLO. Hãy xây dựng một môi trường tích cực và hỗ trợ, nơi bạn có động lực để phát triển hơn.

Lời kết

Tóm lại, YOLO mang lại những trải nghiệm thú vị ngay trước mắt trong khi YODO đem lại lợi ích cho sức khỏe, tài chính và hạnh phúc của chúng ta trong tương lai. Cuộc sống là một hành trình dài, và quyết định giữa YOLO và YODO không chỉ là việc chọn một lối sống để theo đuổi mà đó còn là quá trình để chúng ta hiểu rõ bản thân.

Mình tin mỗi người có quyền tự do trong cách họ sống, nhưng đôi khi, sự cân nhắc và sự cân bằng có lẽ là chìa khóa để tận hưởng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống một cách có ý nghĩa.

Hy vọng bạn chọn được lối sống phù hợp với bản thân, có thể là YOLO, YODO hay bất kỳ lối sống nào bạn thấy phù hợp với hoàn cảnh của bạn!

Nếu thích bài viết hãy thả tim cho mình ngay bên dưới hoặc cân nhắc ủng hộ trulytrinh bằng các cách dưới đây để blog có thể tiếp tục được vận hành và phát triển hơn trong tương lai:

🎁 Chuyển khoản
Tên tài khoản: Đặng Tuyết Trinh
Ngân hàng: ACB (Chi nhánh Cống Quỳnh)
Số tài khoản: 1502946

🎁 Momo
https://me.momo.vn/trulytrinh

🎁 Buy me a coffee (Mua tặng mình một tách cà phê) 
https://www.buymeacoffee.com/trulytrinh

***Bài viết cũng được tác giả đăng tải trên cộng đồng Chúng tôi biết chúng tôi không biết gì“.

2

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *